Labels

Được tạo bởi Blogger.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Câu Cá Mùa Thu

Khi viết về đề tài mùa thu, các nhà thơ thường tìm về với những hình ảnh ước lệ tượng trưng. Thế nhưng Nguyễn Khuyến lại tìm cho mình 1 con đường riêng, đó là ông đưa vào thơ cảnh sắc của làng quê Bắc bộ Việt Nam, đặc biệt đó là quê hương ông huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Khi nói thơ của ông, không thể không nhắc đến 3 bài thơ: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. 1 trong 3 bài thơ thu đó, bài thơ được xem là điển hình hơn cả cho mùa thu làng cảnh Việt Nam là bài thơ Thu điếu. Bài thơ "Câu cá mùa thu" sẽ cho người đọc, nghe thấy được vẻ đẹp của cảnh thu, điển hình cho mùa thu làng Việt Nam và tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng của nhà thơ. Ngoài ra, tác giả Nguyễn Khuyến còn sử dụng những biện pháp nghệ thuật tả cảnh, tả tình và sử dụng tiếng VIệt của ông để làm cho bài thơ tăng sức hấp dẫn, thu hút người đọc. Và bài "Câu cá mùa thu" này nằm trong chùm 3 bài thơ thu của Nguyễn Khuyến: Thu vịnh (Ngâm vịnh mùa thu) - Thu ẩm (Uống rượu mùa thu) - Thu điếu (Câu cá mùa thu).




Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng nước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.



Các chi tiết biểu hiện ở bên trong bài thơ đều thể hiện đúng tinh thần câu cá mùa thu y như nhan đề giới thiệu bài thơ. Có thể thấy, ấn tượng về thu còn ấn tượng hơn ấn tượng người câu cá trong bài, chắc có lẽ bởi vì câu cá chỉ là hình thức bề ngoài để nói đến 1 cái nội dung ẩn kín bên trong. Điểm nhìn của nhà thơ trong bài, đó là cảnh thu được nhìn từ người ngồi trên thuyền câu trong ao. Từ trong chiếc "thuyền câu" người câu cá có thể hướng ra "Ao thu" để cảm nhận được làn nước trong veo, thấy được "Sóng biếc" "lá vàng" rơi ở trên mặt ao. Cũng từ cái không gian hẹp của ao đó, người câu cá hướng lên trên cao là trời mây mùa thu, hướng ra xa là "Ngõ trúc quanh co". Và từ cái hướng nhìn cao mà xa đó, người câu cá lại trở về không gian của chiếc ao hạn hẹp. Điểm nhìn đó cho thấy được không gian hẹp, không gian thu mở ra với nhiều chiều thước khác nhau, cảnh sắc thu cứ thế hiện lên, sinh động hơn, rõ nét hơn và cũng sinh động hơn.



Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.



Ấn tượng đầu tiên của chúng ta đối với câu thơ này, đó là sự xuất hiện của 1 hình ảnh rất đặc trưng của vùng đồng chiêm trũng Bắc bộ, đặc biệt đó là vùng Hà Nam, quê hương của tác giả. Và ao thu này được miêu tả qua 2 tính từ cực tả đó chính là "lạnh lẽo" chỉ xúc giác. "trong veo" chỉ thị giác. Cả 2 tính từ này góp phần miêu tả cảnh thu như ngưng đọng trong cái lạnh và cái tĩnh. Tiếp đó là vần "eo" xuất hiện 2 lần trong 1 câu thơ, càng khiến cho không gian như bị thu hẹp, nhỏ dần. Tìm hiểu cụ thể hơn thì chúng ta có thể thấy tính từ "lạnh lẽo" gợi lên cái cảm giác không khí lạnh, hiu hắt và nước "trong veo" là chỉ sự trong trẻo đến mức nhìn đến tận đáy, hơn thế nữa là sự thanh sạch, bất động, tĩnh lặng. Qua đó, chúng ta sẽ có được cảm nhận chung về câu thơ đầu tiên, có 2 tính từ cực tả ao thu đó chính là "lạnh lẽo""trong veo" thì cảnh sắc mùa thu đã hiện ra, nổi bật hơn cả đó là một cảnh lặng và tĩnh.

Đến câu thơ thứ 2 "Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo",  cảnh thu đã ấm cúng hơn bởi lẽ sự xuất hiện của con người thông qua hình ảnh "chiếc thuyền câu". Nhưng chiếc thuyền câu ở đây được miêu tả như từng chữ từng lời, đều hợp lực để nói đến cái nhỏ bé, mong manh của chiếc thuyền câu.  Mặc dù đã xuất hiện, chiếc thuyền câu làm cảnh vật tưởng chừng như là ấm hơn, bớt lẻ loi hơn thế nhưng không, cảnh vật vẫn lẻ loi, đơn chiếc và bé nhỏ.
Chỉ với 2 câu thơ đầu, bài thơ đã cho người đọc, người nghe thấy được hình ảnh thời gian mùa thu và không gian ao thu.



Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng nước gió khẽ đưa vèo.




Đến 2 câu thơ thực, nhà thơ bắt đầu dịch chuyển điểm nhìn của mình nhưng phạm vi chưa quá xa đối với khung ao nhỏ, ao hẹp. Cảnh vật mùa thu đã được miêu tả qua màu sắc, đặc biệt đó là sự hòa phối giữa 2 sắc màu "biếc""vàng". Cảnh thu ở đây bắt đầu xuất hiện những chuyển động, đó là sống gợn, đó là lá vàng rơi, đó là gió khẽ đưa. Thế nhưng, dường như những chuyển động ở đây vẫn nhẹ nhàng, tinh vi. 
Cụ thể hơn, đối tượng được mùa thu nói đến ở đây là "sóng". Sóng được miêu tả thông qua màu sắc là màu biếc, đó không phải là màu xanh đơn thuần mà là màu xanh của ngọc, là sự hòa hợp độ trong veo của nước ở màu xanh ngắt của nền trời  và thêm 1 chút nắng vàng nhẹ của mùa thu. Bên cạnh đó, sóng không chỉ được miêu tả ở màu sắc mà còn có chuyển động, chuyển động ở đây được miêu tả rất khẽ, rất nhẹ nhàng thông qua các từ kết hợp với nó. Thứ nhất là từ "hơi", đây là phó từ chỉ mức độ thấp, vừa phải. Tiếp theo từ "gợn" là động từ chỉ sự chuyển động nhẹ, và tính từ miêu tả "tí" tính từ chỉ sự nhỏ bé, nhằm nhấn mạnh cái tĩnh lặng của mùa thu.
Tiếp theo là "Lá vàng nước gió khẽ đưa vèo". Với tốc độ bay của gió "khẽ đưa" là 1 chuyển động nhẹ nhàng. "Vèo", tính từ miêu tả tốc độ bay của lá một cách nhanh, mạnh, vút qua rồi mất hút. Làn gió khẽ đưa nhưng là lại rơi vèo, vậy thì hẳn lá chỉ có 1 chiếc mà thôi, 1 chiếc nhỏ bé, ít ỏi thì mới khiến cho 1 làn gió đưa qua mới có thể rơi nhanh, mạnh rồi mất hút trong không gian như thế. Mà có lẽ, tiếng lá vàng rơi đó không đủ lực để tạo nên tiếng động, dường như nó chỉ trả lại cho không gian và trở về với sự tĩnh lặng. Thêm 1 lần nữa chúng ta có thể thấy được, cảnh có thể chuyển động nhưng nó chỉ làm tăng thêm sự cô tịch va quẵng quẽ, đơn chiếc. 

Điểm nhìn của nhà thơ bắt đầu có di chuyển, từ không gian hẹp ao thu hướng lên cao đó là trời xanh, là mây xanh và hướng ra xa đó là ngõ trúc đứng miên man vô tận. 



Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.



Ấn tượng rõ nét nhất của 2 câu thơ này đó là sự đậm đặc của màu xanh. Màu xanh ngắt của mây trời và màu xanh của tre trúc. Ta vốn đã biết rằng xanh là màu lạnh, và đặc biệt là màu xanh này đã xuất hiện trong bài thơ, trong câu thơ này nó đã hòa hợp với cái khí lạnh lẽo được nói đến ở trong câu thơ đầu tiên. Thêm vào đó, nó khiến cho cảnh vật như bị co lại và lắng với cái tĩnh. Và cảnh thu được tiếp thu miêu tả thông qua sự chuyển động, màu sắc và hình dáng đặc trưng cho cảnh thôn quê. 

Đến với 2 câu thơ cuối cùng, 2 câu thơ kết.




Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.




2 câu thơ đánh dấu sự xuất hiện của người câu cá, dù rằng người câu cá không được miêu tả 1 cách trực tiếp mà chỉ gián tiếp thông qua tư thế câu tựa gối, hành động câu buông cần và đặc biệt là trạng thái câu lâu chẳng được. Và câu thơ dường như có 1 sự trở lại đối với 2 câu thơ đề, nếu như 2 câu thơ đề giới thiệu ao thu, chiếc thuyền câu thì nay đã hoàn tất bức tranh câu cá mùa thu với hình ảnh của người câu cá. Cái kết cấu vòng tròn đó, nó khiến chúng ta cảm nhận rằng cái sự vắng lặng và tĩnh mịch xuyên suốt toàn bộ 6 câu thơ như được đóng thành mỗi khối vững chắc, không gì có thể phá vỡ được.
Hình ảnh người câu cá xuất hiện đầu tiên qua tư thế "tựa gối", đó là tay cầm câu đặt lên trên 2 đầu gối đã được khoanh lại, tư thế đó nói lên điều gì. Đó là con người không ngồi thẳng, thanh thản để câu cá mà đang khom mình, thu mình lại trong cái dáng vẻ suy tư, trầm mặc, đầy tâm sự và như vậy rất là phù hợp với 6 câu thơ trên, cảnh thu hẹp lại, nhỏ bé, thu dần đi. Hành động "buông cần" là hành động thả lỏng, buông lời, không quá chuyên tâm vào việc trước mắt phải thế cho nên "lâu chẳng được"
Câu thơ tiếp theo có sự trùng điệp của phụ âm "đ", âm động, vang xa. Báo hiệu sự xuất hiện của âm thanh và âm thanh ở đây đó là tiếng cá đớp động. 3 phụ âm "đ" liên tiếp nhau, khiến cho ta tưởng chừng tiếng của con cá quẫy đuôi dưới ao. Câu thơ góp phần của sự xuất hiện của tiếng cá đớp động 


Tóm lại, về nội dung bài thơ của Nguyễn Khuyến tả cảnh mang vẻ đẹp điển hình cho mùa thu làng cảnh Việt Nam. Đẹp nhưng tĩnh lặng, vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước, vừa cho thấy tâm sự thời thế của tác giả. Thêm vào đó, cảnh được miêu tả thông qua màu sắc, qua âm thanh, chuyển động, đường nét. Rất xứng hợp tạo nên bức tranh thiên nhiên hài hòa, cân đối. Và ẩn sau bức tranh thu đó là tâm trạng, nỗi niềm của nhà thơ, cảnh buồn và tĩnh phù hợp để nói đến nỗi u sầu, đầy tâm sự trong lòng người. Không chỉ thế, ông còn dùng bút pháp nghệ thuật cổ điển vừa có những sáng tạo riêng để đưa vào bài thơ, những hình ảnh đậm đà chất dân tộc. Từ ngữ giản dị, trong sáng, có khả năng diễn tả những biểu hiện tinh tế của sự vật, những uẩn khuất thầm kín của tâm trạng. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét