Labels

Được tạo bởi Blogger.

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Khóc Dương Khuê


Trong thời còn chiến, những người chiến hữu, những người đồng đội cũng chính là những người thân, người cứu sống ta, người có thể khiến chúng ta không bao giờ quên được họ. Như tình bạn giữa hai người Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, đây vốn không phải là một tình bạn thật hoàn hảo nhưng lại trọn vẹn. Tuy đỗ cử nhân cùng khoa thi với Nguyễn Khuyến, rồi đỗ tiến sĩ, cùng làm quan cho triều Nguyễn, nhưng sau năm 1884, năm đất nước thật sự mất vào tay thực dân Pháp, Dương Khuê lại không có được cái chí như Nguyễn Khuyến. Không cáo quan về làng, Dương Khuê tiếp tục làm quan cho triều đình tay sai thực dân cho đến tận lúc qua đời ở tuổi 64 (1902). Dương Khuê với Nguyễn Khuyến là 2 người bạn thân.
Và rồi cái chết đột ngột của Dương Khuê khiến người ra đi, một nỗi đau đến với Nguyễn Khuyến, cái đến cái đi. Thời điểm đó tâm trí ông gần như trống rỗng, ông chỉ biết một điều duy nhất là ông đã mất đi một người bạn thân, mất đi một nguồn tình cảm quí giá không thể lấy gì thay thế được. Bài thơ "Khóc Dương Khuê" được ra đời.



Bác Dương thôi đã, thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên trời ?
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm áp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám than trời;
Bác già, tôi cũng già rồi
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
 Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
 Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời!
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng chi đã mải lên tiên;
   Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Giường kia treo cũng hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan!



Chỉ mới vào đầu khổ thơ mà Nguyễn Khuyến đã chợt kêu lên những tiếng kêu thảng thốt:


Bác Dương thôi đã, thôi rồi,
Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta.


Hầu như không có một chút vãn chương chữ nghĩa nào trong hai dòng thơ trên, đặc biệt là dòng thơ thứ nhất. Trong 2 câu thơ đầu chỉ có nỗi đau, nỗi đau thật sự, trọn vẹn, tự tác giả thể hiện ra thành lời. Hai tiếng “thôi” dân dã và tự nhiên, cứ như bật lên từ lời nói của một người dân quê bình dị nào đó. Tuy không chỉ là 1 nỗi đau chân thành mà còn cho người đọc, người nghe càng thấy được đây nhà thơ coi trọng Dương Khuê đến mức nào. “thôi đã... thôi rồi." thêm 1 lần nữa, cảm xúc của Nguyễn Khuyến lại dâng đến cao trào khi ông phải đối diện với sự thật. Nếu không phải là 1 nỗi đau thật thì làm sao có thể khóc một tiếng khóc thật như thế được.
Thế nhưng, Nguyễn Khuyến đã không thét lên mà ông khóc cho mình ông nghe, tiếng khóc lắng vào lòng như giọt máu chảy trong tim. Vì ông là người có tâm hồn vốn giản dị, ông chúa ghét sự ồn ào. Lúc này ông chỉ muốn ngồi một mình, đối diện với bạn, cùng nhắc lại tình bạn, cùng bạn ôn lại những gì đã từng có giữa hai người. Đã có bao nhiêu là kỉ niệm. 


Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Những sớm hôm tôi bác cùng nhau,
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên trời


Kỉ niệm đầu tiên là khi hai người vừa mới lần đầu gặp nhau trong khoa thi Hương và cùng thi đỗ. Nguyễn Khuyến quê ở Bình Lục, Hà Nam, Dương Khuê quê ở Vân Đình, Hà Đông, hai người vốn chẳng quen biết gì nhau. Thế mà, cứ như duyên trời định sẵn, tình bạn đã bắt đầu gắn bó từ đây. 
Cùng với giọng kể lể chân thành như thế, nhà thơ nhắc lại với bạn về những kỉ niệm khác:


Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo,
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.


Kỉ niệm giữa đôi bạn như thế quả là rất nhiều, rất đậm. Họ đã từng cùng trải qua những giờ phút thú vị, chứng tỏ họ là những người bạn cùng chung chí hướng. Nhắc lại những kỉ niệm đó, tâm hồn của ông như còn rung cảm vì tiếng suối “róc rách lưng đèo” nơi “dặm khách” xa xôi. Nguyễn Khuyến như cùng Dương Khuê đang sống lại với những cảm giác thích thú “nơi từng gác cheo leo”, lắng nghe tiếng đàn, tiếng hát của các đào nương. Đối với đa số nhà Nho, nơi để thưởng thức cái đẹp của lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, cũng là nơi di dưỡng tâm hồn sau những tháng ngày gò mình trong khuôn khổ của chốn công danh. Nguyễn Khuyến không có những bài thơ như vậy khác lạ, nhưng rõ ràng là ông đã không thể quên “thứ vui con hát”, bởi đó là thú vui được “lựa chiều cầm xoang”, trải lòng mình theo tiếng đàn, tiếng hát.
Là đôi bạn đến với nhau, thân nhau vì lòng mến mộ lẫn nhau, tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê thật là chỗ tri âm tri kỉ, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.


Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp,
Chén quỳnh tương ăm áp bầu xuân,
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.


Bạn bè cũng có những lúc tâm sự với nhau đôi điều, ở đây tác giả đã dùng từ từ "nhấp”, lại “cùng nhấp” thì thật chính xác và tinh tế, bởi đây là việc uống rượu của người “uống cho vui”, chứ không phải kiểu uống của các bợm rượu. 
Có những ngày thật vui nhưng cũng có những ngày buồn, rất là buồn. Đó là những ngày nước mất. Là nhà Nho, cùng phụng sự cho một triều đại, đôi bạn này lại 1 lần nữa cùng chung chia sẻ nỗi đau cũng như chia sẻ niềm vui.


Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn
Phận đấu thăng chẳng dám than trời
Bác già, tôi cũng già rồi
Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!


Những câu thơ của Nguyễn Khuyến đọc lên nghe thật buồn bã. Nói “buổi dương cửu” để chỉ thời kì thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhà thơ coi đó như là một thử thách với rất nhiều lối đi mà không có anh sáng, bắt buộc đất nước và con người phải trải qua. Không làm gì được trước thử thách ấy. Ông cảm thấy mình bất lực, cảm thấy mình đã già. Đặc biệt câu thơ cuối đoạn, có đến ba từ "thôi” trùng điệp từ, tuy khác nghĩa nhau mà như cùng một nghĩa, bổ sung cho nhau, tạo ra ấn tượng về một tâm trạng cam chịu thật nặng nề: Biết thôi- thôi - thế thì thôi. Đúng là tâm trạng của nhà thơ khi cáo quan về làng và cho đến cả những năm sau này. Đau buồn trước cảnh nước mất nhưng không có thể làm gì cho đất nước ngoài việc từ quan để không phải làm việc cho kẻ thù.
Qua 16 dòng thơ, Nguyễn Khuyến đã nhắc lại một cách chân tình và đầy đủ về mối quan hệ bạn bè giữa đôi bạn Nguyễn Khuyến - Dương Khuê. Nhắc lại những kỉ niệm ấy, ôn kí ức lại và ngẫm nghĩ về tình bạn ấy đã qua ấy, nhà thơ cảm thấy nỗi đau mà mình phải chịu hôm nay thật là một điều vô lí. Ông thậm chí không thể tưởng tượng ra sự mất mát có thể xảy ra. Nhà thơ tiếp tục nhớ lại:


Muốn đi lại tuổi già thêm nhác
Trước ba năm gặp bác một lần
Cầm tay hỏi hết xa gần
Mừng rng bác hãy tinh thần chưa can.


Xét về mặt văn chương, bốn dòng thơ trên không phải là những câu thơ thật mới lạ sắc sảo, bởi những câu thơ ấy sao mà nôm na bình thường, “tuổi già thêm nhác”, rồi lại “hỏi hết xa gần”, với lại “tinh thần chưa can”, cứ như lời lẽ của một ông lão quê mùa nào đó ở vùng đất Hà Nam. Có lẽ là vậy, trong những dòng thơ này, ông chỉ toàn nói về quá khứ của mình trong nỗi đau. Nhà thơ còn tự mình lí sự với mình:


    Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác
  Tôi lại đau trước bác mấy ngày
Làm sao bác vội về ngay
 Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời!


Chỉ khi người ta đau đớn thật lòng, người ta mới có kiểu lí sự như vậy. Như thế có khác gì nói rằng " tại sao bác lại chết trước tôi nhỉ ? Người chết trước lẽ ra phải là tôi chứ ?"
Chính từ những lí sự này, mấy tiếng cuối cùng của đoạn thơ nổi lên thật chân thực:

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời!

Sự thật luôn mang lại nỗi đau, nhà thơ cũng đành chấp nhận.


    Ai chẳng biết chán đời là phải
Vội vàng chi đã mải lên tiên
    Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.


Cái chết là một quy luật không ai có thể phủ nhận được. Tuy vậy, trong trường hợp này, Nguyễn Khuyến vẫn tìm thấy sự vô lí: cái chết của người bạn đã đến một cách vội vã quá, nó cướp mất của ông một người bạn hiền và như thế, cũng cướp mất của ông tất cả mọi niềm vui. Câu thơ của ông nói về trường hợp riêng của mình.



Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua


Trong hai dòng thơ, từ “không” xuất hiện đến năm lần như những cái lắc đầu buồn bã.
Không còn bạn, không còn thiết uống rượu, bởi không còn người để chia sẻ vị ngon của rượu. Không còn bạn, khóng còn hứng thú làm thơ, bởi vì sao?


Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?


Lắc đầu bằng những tiếng “không”, đến đây nhà thơ tiếp tục lắc đầu bằng những câu hỏi. Hỏi cũng là để nói “không”. Thơ viết ra mà không có người thưởng thức được, cảm thông được thì còn viết để làm gì? 
Tiếp đến là:


Giường kia treo cũng hững hờ
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn


Có thể lấy gì để bù đắp vào sự mất mát này không? Nhà thơ đã khẳng định rằng không. Chỉ còn một cách, như người ta vẫn thường làm, là tìm cho mình một cách an ủi. Rằng người chết không còn có thể sống lại được, rằng nước mắt có rơi xuống bao nhiêu thì cũng không thể giúp được gì... Nguyễn Khuyến muốn dùng cái lẽ ấy để tự an ủi lòng mình:


Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương

Nhà thơ còn tự khuyên bảo mình:

Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!


Nhà thơ khuyên mình không nên khóc, bởi tuổi già còn ít nước mắt lắm, chỉ như những hạt sương mong manh thôi, làm sao có thể ép cho nước mắt tuôn chảy thành hai hàng chứa chan được. Nhưng nói như thế là nói lí. Bản thân nhà thơ vẫn hiểu rằng không thể “lấy nhớ làm thương” được, và càng hiểu rằng hai hàng nước mắt chứa chan của ông lúc này đâu phải do ông “ép lấy”. Mỗi chữ trong thơ ông đều đẫm đầy nước mắt, những hạt lệ từ một nỗi đau lớn, từ một tình bạn lớn.
Có thể khẳng định rằng trong thơ Việt Nam đã có rất nhiều bài thơ hay thể hiện tình cảm đẹp đẽ chân thành, nhưng cả cho đến nay, chưa có bài thơ nào nói về tình bạn có thể sánh bằng bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. Cái hay ấy trước hết xuất phát từ một tình bạn đẹp và chân thành của một tâm hồn cao thượng. Cái hay ấy còn là cái hay của một nghệ thuật diễn đạt, một ngôn ngữ diễn đạt giản dị, tự nhiên,đầy tính dân tộc, hoàn toàn phù hợp với nội dung tình cảm mà bài thơ cần diễn đạt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét