Labels

Được tạo bởi Blogger.

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Cái kén bướm

         Ở sự sống con người hay ở sự sống động vật hoặc ở sự sống thực vật và ở nhiều sự sống khác nhau đều luôn phải trải qua quá trình tự phát triển bản thân. Quá trình đó là quy luật của tự nhiên, vì khi có thể tự phát triển bản thân, tự vượt qua bản thân thì mới có thể phát triển và vượt qua được con đường chông vênh trong cuộc sống đang chờ đợi phía trước. Và khi đã bước chân vào cuộc sống xung quanh, phải tự lo cho bản thân, phải tự làm hết việc của mình, phải gồng mình để đi qua những biến cố xảy ra, phải dồn nén những áp lực, cảm xúc đang muốn thoát ra trong lòng. Đến 1 ngày nào đó, khi ta gục ngã thì thứ ta cần nhất lúc này đây chính là bàn tay của ai đó đưa ra và 1 giọng nói được thốt lên "Hãy nắm lấy tay tôi ! ". Khoảnh khắc này là khoảnh khắc mà con người thật sự cần đến sự giúp đỡ, tuy muốn trưởng thành là phải tự bản thân làm tất nhưng sự giúp đỡ này sẽ góp phần làm cho cuộc sống con người trở nên trọn vẹn hơn. Động vật cũng thế, những lúc bị thương không thể tự kiếm ăn, chúng sẽ cần đồng loại của mình để chăm sóc. Thực vật vốn chỉ mọc theo 1 cách tự nhiên của từng loại nhưng nếu muốn mọc theo ý muốn thì phải uốn nắn chúng từ nhỏ. Mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi có sự giúp đỡ đi kèm. Nhưng mọi thứ không phải cái gì cũng đều tốt, mọi thứ đều là con dao hai lưỡi. Nếu như con người làm dụng sự giúp đỡ thì sẽ trở nên ỷ lại và yếu đuối, nếu như động vật vốn đã sống theo đàn từ lâu khi bị tách ra chúng sẽ rất khó sống sót trong giới hoang dã và thực vật cũng thế, đa số các cây, hoa dại thường chúng sẽ khỏe mạnh hơn những cây, hoa được chăm sóc kỹ lưỡng ở nhiều thời tiết khắc nghiệt khác nhau. Sự giúp đỡ sẽ phát huy tốt khi được dùng ở nơi thích hợp và đúng thời điểm còn nếu không, nó sẽ phản tác dụng rất mạnh. Có 1 câu chuyện thiết thực kể về sự giúp đỡ bị phản tác dụng, đó chính là câu chuyện "Cái kén bướm".

CÁI KÉN BƯỚM

Một cậu bé tìm thấy cái kén bướm. Một hôm cậu thấy cái kén hé lỗ nhỏ. Cậu ngồi hàng giờ nhìn chú bướm nhỏ cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu. Rồi cậu bé thấy mọi việc không tiến triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được nữa?! Vì thế, cậu quyết định giúp chú bướm nhỏ. Cậu lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm.Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn cậu bé cứ ngồi quan sát cái kén với hy vọng một lúc nào đó thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xòe rộng hơn đủ để nâng đỡ thân hình…Nhưng chẳng có gì thay đổi! Sự thật là chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được. Có một điều mà cậu bé không thể hiểu: cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài.Đôi khi đấu tranh là rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu ta quen sống một cuộc đời phẳng lặng, dễ dàng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Và chẳng bao giờ ta có thể bay được. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn.

      Nội dung của câu chuyện muốn cho người đọc, người nghe nhận ra rằng việc giúp đỡ người khác không đúng lúc, không hiểu rằng có nên hay không nên giúp sẽ để lại hậu quả như thế nào. Bởi vì đó chính là quy luật cuộc sống tự nhiên, khi 1 người nhúng tay vào cuộc sống của người khác, người đó phải biết rằng mình nên làm gì, không nên làm gì để cho người khác trở nên tốt hơn, còn nếu không thì cuộc sống bị xáo trộn và chính người giúp đỡ đó sẽ đưa người khác rơi vào cuộc sống dựa dẫm, cuộc sống không có sắc màu riêng, chỉ biết nhờ vả vào người khác. 

Cuộc sống tự nhiên luôn có quy luật của nó, nếu như con người thay đổi những quy luật tự nhiên đó thì cuộc sống của con người cũng sẽ bị xáo trộn lên, mọi thứ bị đảo ngược. Giống như câu chuyện "Cái kén bướm". Việc mà con người giúp đỡ không đúng lúc sẽ làm gây hậu quả khiến họ hối hận đến hết đời, còn người được giúp thì phải cần giúp đỡ mới sống được hoặc họ sẽ tàn tạ hơn thế.

HIện tượng này xảy ra rất nhiều trong cuộc sống, và xuất hiện nhiều nhất là ở các lứa tuổi học sinh. Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh được biết đến 2 điều cấm kị nhất đó chính là "Không được gian lận, không được giúp bạn gian lận trong giờ kiểm tra, thi cử" vì đây sẽ là thứ có thể thay đổi cuộc đời học sinh. Thí dụ như một bạn A giúp bạn B gian lận trong giờ kiểm tra để đạt được điểm cao, sau đó thì ngựa quen đường cũ. Thói ỷ lại đã xuất hiện, B nghĩ rằng mỗi bài kiểm tra thì có A lo nên chỉ việc chơi thôi. Và cứ lặp đi lặp lại sự gian lận đó, bạn A giúp bạn B lên lớp. Thế nhưng A đâu có biết rằng làm như vậy chính là mình đang tự hại bạn mình, rằng A đang khiến cho cuộc sống của B trở thành cuộc sống chỉ biết cậy vào người khác mà sống. Và khi đến lớp cao, ở 1 trình độ quá cao mà kiến thức của bạn B lại quá lủng củng thì làm sao có thể học được. Giống như muốn làm những bài tập khó thì phải có kiến thức nền vững chắc, nếu không có thì không thể xử lý được. Và như thế, bạn B  té cái cú thật đau, vừa làm tốn tiền cha mẹ, vừa làm tốn thời gian công sức của mình và người khác.

Thế nên, trong cuộc sống có những lúc ta thấy người khác gặp khó khăn mà ta muốn giúp thì ta phải xem xét lại trước khi giúp người khác. Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu sự việc như thế nào, người muốn giúp gặp khó khăn gì, tình trạng ra sao và phải suy nghĩ thấu đáo rằng có nên giúp hay không và đặc biệt hơn hết là nên giúp như thế nào. Khi đã giúp rồi thì hãy dùng cách tốt nhất, đó chính là cách giúp cho họ nhận ra vấn đề mình cần giải quyết rồi tiếp tục tự tay họ làm, chứ không nên giành lấy và làm hết luôn cả phần của họ. 

       Đôi khi đấu tranh là rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu ta quen sống một cuộc đời phẳng lặng, dễ dàng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Và chẳng bao giờ ta có thể bay được. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn. Mọi công việc làm, dù lớn hay nhỏ thì chúng luôn là kinh nghiệm để có thể đúc kết cho bản thân sau này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét