Labels

Được tạo bởi Blogger.

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Chí Phèo - Nam Cao

Nam Cao ( 1917 - 1951 ) là một trong những cây bút viết truyện ngắn rất thành công của dòng văn học hiện thực phê phán thời kì trước cách mạng. "Chí Phèo" là tác phẩm thành công của Nam Cao viết về đề tài người nông dân. Nhân vật Chí Phèo thể hiện được tấn bi kịch tinh thần lớn nhất của con người, đó là bi kịch bị tha hóa. Những thế lực tàn bạo đã tước đoạt của người nông dân chất phát hiền lành những khát vọng và ước mơ về một cuộc sống lương thiện , biến họ thành kẻ lưu manh. Và khi lương tâm thức tỉnh, họ đã phải tự kết thúc đời mình khi nhận ra rằng mình đã không còn đường để trở về với cuộc sống lương thiện. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm được tập trung ở nhân vật Chí Phèo. Tác phẩm phản ánh hai mâu thuẫn gay gắt và tiêu biểu nhất trong xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị với nhau và mâu thuẫn giữa bọn cường hào ác bá với người nông dân. Các nhân vật đều đạt đến trình độ điển hình.
Tác phẩm được mở đầu bằng tiếng chửi với nội dung có vẻ bất thường nhưng rất tỉnh táo đã tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện. Đây cũng là một thủ pháp nghệ thuật trong cách viết của Nam Cao. Nhà văn đã để nhân vật xuất hiện trong tâm trạng điển hình nhất. Vừa gây sự tò mò cho người đọc, vừa làm nổi bật tư tưởng của tác phẩm.
Nội dung của lời chửi có lớp lang, chứng tỏ người chửi vẫn đang rất có ý thức về việc làm của mình. Chửi từ đối tượng lớn nhất, trúng nhất và trừu tượng nhất " trời, đời, cả làng Vũ Đại" đến cụ thể nhất, xác định rõ nhất " đứa nào không chửi nhau với hắn, đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn". Tiếng chửi thể hiện sự bức bối, tâm trạng đầy bi kịch của Chí Phèo. Hắn cất tiếng chửi để người ta đáp lại mình nhưng không ai đáp cả, bởi họ không chấp hoặc không muốn dây dưa với một thằng say rượu, một kẻ lưu manh, một thằng cố cùng liều thân như hắn. Tiếng chửi là khao khát được giao tiếp với con người dù là hình thức giao tiếp hạ đẳng nhất nhưng không được đáp lại. Không có ai đáp lại lời nên hắn càng uất ức. Lời chửi vừa thể hiện được đỉnh cao tấn bi kịch cô đơn, bị từ chối quyền làm người của hắn vừa dẫn dắt câu chuyện đến tình huống giới thiệu hoàn cảnh xuất thân và số phận bất hạnh của Chí Phèo.
Mối quan hệ Chí Phèo - Bá Kiến thể hiện quá trình bị tha hóa của Chí Phèo. Từ anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành hắn bị Bá Kiến đẩy vào tù và khi trở về thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Từ khi trở về, cuộc sống của hắn cũng hoàn toàn thay đổi, hắn lấy nghề rạch mặt, đâm thuê chém mướn làm nghề sống. Chí Phèo bị người đời xa lánh, hắn trở về làm cho Bá Kiến. Lại một lần nữa, người đọc thấy được sự bế tắc, bước đường cùng của Chí Phèo. Hắn lại trở về nơi ngày xưa đã đẩy hắn vào cơ cực như bây giờ. Có lẽ đây là sự bế tắc của người dân thấp cổ bé họng trong xã hội phong kiến.
Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng được hình tượng nhân vật Chí Phèo. Với hình tượng nhân vật ấy, Nam Cao đã phản ánh chân thực và sinh động bi kịch hủy diệt tâm hồn và nhân phẩm của người nông dân nghèo khổ. Sự tha hóa của Chí Phèo một mặt tố cáo sự tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến đã không cho con người được làm người, mặt khác thể hiện giá trị nhân đạo mới mẻ của nhà văn trong cách nhìn nhận số phận của người nông dân trước Cách mạng.
Nam Cao đã không để cuộc đời của Chí Phèo dừng lại ở đó. Tác giả đã khơi gợi sự thèm khát yêu thương, thèm khát cuộc sống như một con người từ hắn. Tình huống truyện Chí Phèo gặp Thị Nở lần hắn uống rượu say khướt. Thị Nở xuất hiện với một bát cháo hành đã khiến người đọc vẫn cảm thấy còn chút gì đó hy vọng cho một cuộc đời bình dị. Thị Nở xấu xí, thô kệch nhưng lại là vết sáng trong cuộc đời tăm tối của Chí Phèo. Sự xuất hiện của Thị Nở có ý nghĩa rất lớn đối với Chí Phèo và đã đánh thức được bản chất lương thiện vốn có trong hắn. Nó cũng chứng minh rằng những bản chất tốt đẹp của người lao động trong con người hắn không thể bị hủy diệt mà nó chỉ bị khuất lấp đi đằng sau cái vẻ bất cần đời của một con người bị xã hội xa lánh, dồn vào bước đường cùng mà thôi. " Bát cháo hành" là một  chi tiết nghệ thuật giàu giá trị nhân văn, cho tình người còn lấp lánh giữa cái xã hội thối nát.

Sau cuộc gặp gỡ, Chí Phèo bị ốm được Thị Nở chăm sóc. Lần đầu tiên, từ những ngày ở tù về, Chí  Phèo cảm thấy mình hoàn toàn tỉnh táo và lần đầu tiên sau những cơn say triền miên, kể từ ngày ở tù về hắn nghe được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống đời thường. Và khao khát được trở thành người lương thiện trỗi dậy trong con người hắn. Hắn bắt đầu nghĩ về đời mình về những ngày đã qua và những ngày sắp tới. Chí Phèo cảm nhận rõ sự cô độc và bất hạnh của đời mình và hắn mong ngóng Thị Nở, khao khát được cùng Thị xây dựng một gia đình. " Bát cháo hành " đã đánh thức được phần người tốt đẹp trong Chí Phào. Hắn ngạc nhiên rồi cảm động " thấy mắt hình như ươn ướt ", rồi bâng khuâng, vui buồn lẫn lộn. Và nhất nhất là hắn cảm thấy ăn năn, hắn háo hức, sốt ruột, cuống cuồng khi thấy Thị Nở về nhà quá lâu. Tâm trạng chờ đợi ấy thể hiện khao khát mãnh liệt được trở về cuộc sống lương thiện của người bình thường. Nhưng tất cả đã sụp đổ với sự trở lại và lời từ chối của Thị Nở.
Nhà văn đã nhập thân vào nhân vật, sử dụng nhiều kiểu giọng điệu trần thuật khác nhau để miêu tả diễn biến nội tâm phức tạp của Chí Phèo. Những giây phút hạnh phúc và đầy hy vọng của hắn rất ngắn ngủi. Vì thành kiến mà bà cô của Thị Nở đã không cho Thị Nở giao du và lấy hắn. Nhà văn đã miêu tả một lần uống rượu đặc biệt nhất trong cuộc đời của Chí Phèo. Chí lại lôi rượu ra uống nhưng càng uống hắn lại càng tỉnh " hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành". Đó là hương vị của tình yêu, của niềm hạnh phúc , niềm hạnh phúc ấy lần đầu tiên được hắn được hưởng nên cho nên nó khó phai mờ trong tâm trí anh. Sự tỉnh táo khiến cho hắn cảm thấy tiếc hạnh phúc mà mình đã có và nhận ra sự thực cay đắng, chua chát trong lời bà cô Thị Nở. Phản ứng của bà cô Thị Nở là đại diện cho những định kiến xã hội đối với những con người đã vô tình hay cố ý gây ra lỗi lầm. Chí Phèo đã bị lưu manh hóa và xã hội lương thiện đã không thể chấp nhận hắn.
Khi xách dao đến giết Bá Kiến và tự sát chứng tỏ hắn hoàn toàn tỉnh táo. Đây là lời tố cáo quyết liệt của tác giả đối với xã hội có những kẻ cầm quyền như Bá Kiến. Bọn người thâm hiểm, tham lam và tàn độc ấy đã cướp đi của con người hạnh phúc, ước mơ, bản chất lương thiện là tội ác dã man nhất, nó dã man hơn cả tội giết người.
Hình ảnh ám ảnh người đọc là hình ảnh Chí phèo giãy đành đạch, nằm giữa vũng máu ở sân nhà Bá Kiến. Trước khi chết Chí Phèo còn hét lên " ai cho tao làm người lương thiện ", xã hội này không cho, con người cũng không cho. Cái chết của Chí Phèo một lần nữa chỉ ra con đường cùng và kết cục bi thảm của nhân vật. Đúng là một bi kịch quá đau lòng đối với người nông dân trong xã hội đầy rẫy bất công.
Giọng điệu trần thuật có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại với độc thoại, giữa lời gián tiếp và lời nửa tiếp. Vì vậy, nhiều đoạn có sự lồng ghép giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ: đoạn kể về tiếng chửi của Chí Phèo, đoạn tả tâm trạng của Chí sau cuộc gặp với Thị Nở và khi bị từ chối,.. Đối thoại giữa Chí với Bá Kiến, Chí với Thị Nở... Giọng điệu trần thuật này là những đóng góp quan trọng của Nam Cao trong quá trình hiện đại hóa của thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam.
Nếu so sánh hai truyện ngắn " Lão Hạc" " Chí Phèo" thì cả hai tác phẩm đều khai thác về đề tài số phận người nông dân Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến. Qua số phận cùng cực của họ, nhà văn đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Giá trị nhân đạo được thể hiện ở sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với bi kịch của người nghèo và phát hiện ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lương thiện trong mỗi nhân vật.
Song ở mỗi tác phẩm thì nhà văn lại có những sáng tạo riêng trong việc thể hiện tư tưởng nhân đạo. Với nhân vật lão Hạc, nhà văn để nhân vật của mình vào một cuộc lựa chọn giữa cái chết và sống. Lão Hạc đã chọn cái chết để giữ được cho con trai mảnh vườn. Lão Hạc là một người nông dân có bản chất lương thiện và tấm lòng nhân hậu.
Chí Phèo khốn cùng hơn lão Hạc nhiều. Hắn bất hạnh từ khi sinh ra cho đến lúc tự chấm dứt cuộc đời mình. Hắn bị tha hóa, lưu manh hóa rồi bị từ chối quyền làm người. Cuộc đời của Chí Phèo là chuỗi bi kịch nhưng dù bị vùi dập tàn nhẫn đến đâu thì bản chất lương thiện trong hắn không hề bị hủy diệt. Cuộc gặp gỡ, bát cháo hành của Thị Nở và những âm thanh trong trẻo của cuộc sống đời thường đã đánh thức bản chất lương thiện trong hắn. Qua tấn bi kịch của Chí Phèo, tác giả đã thể hiện niềm tin và tình yêu thương của mình đối với những người nông dân nghèo.
Nam Cao với ngòi bút  sâu sắc đã xây dựng nhân vật điển hình trong xã hội điển hình như kéo người đọc về với thời kì đau thương của đất nước ta hồi đó. " Chí Phèo " là một kiệt tác bất hủ bởi nó chứa đựng trong đó là tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc mà người đọc rút ra được từ những trang sách giàu tính nghệ thuật của Nam Cao. Sự kết hợp giữa giá trị hiện thực sắc bén và giá trị nhân đạo cao cả đã làm cho tác phẩm " Chí phèo " bất tử, mãi mãi có khả năng đánh thức trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc mọi thời đại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét