Labels

Được tạo bởi Blogger.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Bếp Lửa

     Bằng Việt là một trong những gương mặt thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành thời kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông thường hướng về những kỉ niệm, những kí ức và mơ ước của tuổi trẻ với cảm xúc tinh tế, giọng thơ mượt mà, sâu lắng. Bếp lửa là một bài thơ như thế. Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đang ở nước ngoài, bài thơ gợi lại những kỉ niệm xúc động về tình bà cháu đồng thời thể hiện lòng kính trọng, biết ơn của cháu đối với bà, với gia đình, quê hương


Bếp lửa

(Bằng Việt)

   Nỗi nhớ của Bằng Việt trầm lắng, thoáng suy tư. Nhớ về bà là nhớ tới những năm tháng ấu thơ bên bếp lửa thân thương:

                                        Một bếp lửa chờn vờn sương sớm 
                                        Một bếp lửa ấp iu nồng đượm 
                                        Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

  
Bếp lửa
(Bếp lửa)
  Từ láy “chờn vờn” gợi lên hình ảnh ngọn lửa lúc to lúc nhỏ, lúc lên cao xuống thấp, đồng thời cũng cho thấy những kí ức ùa về trong tâm trí nhà thơ vẫn thật mờ ảo. Làn khói bếp trong sương sớm bỗng khiến ta thấy ấm sáp vô cùng bởi đó là hình ảnh vô cùng gần gũi, thân thuộc đối với mỗi gia đình Việt Nam.

                                       Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
                                       Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
                                       Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.
                                       Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

                                       Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

 Đói mòn đói mỏi là một câu thành ngữ, gợi về một cái đói kéo dài khiến con người ta kiệt quệ. Những vần thơ như một thước phim tái hiện khoảng thời gian ấu thơ của cháu có nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn, có bóng đen ghê rợn của nạn đói năm 1945. Bao kỉ niệm ùa về, lay động lòng người.Mùi khói bếp cay nồng như đọng lại, mới ngày hôm qua. Nó nhấn mạnh xoáy sâu vào tiềm thức nhà thơ.Đọc thơ  mà ta cũng thấy cay cay nơi đầu mũi.
                                      
                                     Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa 
                                  Tu hú kêu trên những cánh đồng xa  
                                  Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà? 
                                  Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế. 
                                  Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế 

    Đoạn thơ như đang kể về một câu chuyện cổ tích nhưng lại làm hiện rõ những năm tháng khó nhọc đứa cháu lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của người bà. “Tám năm ròng” kháng chiến đầy vất vả gian lao nhưng đối với tác giả đó là một khoảng thời gian thật đẹp, thật sâu sắc, vui buồn cùng bà bên bếp lửa của người cháu.Từng việc, từng việc, từng ngày từng tháng, bà đều ân cần bảo ban. Điệp từ ‘bà” và “cháu” thể hiện sự yêu thương quấn quýt. Bà đã yêu thương, cưu mang cháu để rồi vừa là cha, là mẹ chăm sóc, dạy cháu nên người. Khổ thơ gây ấn tượng với người  đọc bởi tiếng chim tu hú khắc khoải, triền miên. Từ hình ảnh chim tu hú sống lẻ loi cất tiếng kêu, cháu thấy thật hạnh phúc vì được sống bên bà. Những câu thơ tiếp theo phải chăng là kí ức tàn khốc của chiến  tranh

                                      Mẹ cùng cha công tác bận không về, 
                                      Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe, 
                                      Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học, 
                                      Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc, 
                                      Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà, 
                                       Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

     Tình thương của bà đối với cháu to lớn như biển trời bao la, bà đảm nhận vai trò của một người cha, một người mẹ và một người thầy. Bà chăm chút cho cháu từ cái ăn, cái mặc đến cả việc học hành. Bà dạy cho cháu những bài học làm người, chăm chút cho cháu dẫu bà phải vất vả lo toan bao điều. 

                                     Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi 
                                      Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi 
                                      Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh 
                                      Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh
                                      Bố ở chiến khu, bố còn việc bố, 
                                      Mày có viết thư chớ kể này kể nọ, 
                                      Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!

    Chiến tranh, một danh từ bình thường nhưng sức lột tả của nó thì khốc liệt vô cùng, nó đã gây ra đau khổ cho bao người, bao nhà. Và hai bà cháu trong bài thơ cũng trở thành một nạn nhân của chiến tranh: gia đình bị chia cắt, nhà bị giặc đốt cháy rụi… Gian khổ là thế nhưng có được sự giúp đó của hàng xóm, tình cảm của những người cùng cảnh ngộ, hai bà cháu đã dựng lại được túp lều tranh.Lời dặn của bà chân thật và cảm động, chan chứa bao ý nghĩa từ tấm lòng bà văng vẳng bên tai cháu. Qua đó không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương con cháu của bà mà còn đề cao phẩm chất cao quý, đức hi sinh nhẫn nại của những người phụ nữ Việt Nam để yên lòng người nơi chiến tuyến

                                      Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa 
                                      Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ 
                                      Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm 
                                      Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm, 
                                      Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi, 
                                      Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui, 
                                      Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ... 
                                      Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

    Với cảm xúc “biết mấy nắng mưa” được lặp lại từ khổ 1 như một điểm nhấn nói về rất nhiều “lận đận”, nhiều “nắng mưa” của cuộc đời bà. Thế nhưng bà vẫn luôn âm thầm chịu đựng, cần mẫn và chu đáo chăm lo cho con cháu của mình. Dù đã “mấy chục năm” đi qua gian khổ nhọc nhằn nhưng bà vẫn giữ “thói quen dậy sớm”, bà vẫn gian nan, vất vả tưởng như không bao giờ dứt.Điệp từ nhóm được nhắc lại bốn lần mang bốn nghĩa khác nhau, vang lên theo từng cung bậc tình cảm lớn dân, tỏa sáng dần nét "kỳ lạ", thiêng liêng và nhất là tình nghĩa của bà. Đó như là một lời khẳng định bà chính là người nhóm lên trong lòng cháu ngọn lửa bằng đức hi sinh cao cả, thể hiện niêm xúc động thiết tha, kết lại trong miền kí ức của người cháu

                                    Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
                                    Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
                                    Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
                                   Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?... 

   Đoạn thơ đã đúc kết thật đằm thắm lòng thương nhớ, kính yêu và biết ơn bà sâu sắc. Bao năm dài đằng đẵng, đứa cháu giờ đã khôn lớn sống trong một khung cảnh mới, một cuộc đời mới đầy đủ và ấm no nhưng chẳng thể nào nguôi nhớ về bà.Qua những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thảnh, bài thơ Bếp lửa đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với gia đình, quê hương, đất nước.Bài thơ nhắc nhở ta về lối sống thủy chung ân nghĩa, có lòng biết ơn, đối xử ân nghĩa với gia đình, láng giềng và quê hương, cội nguồn dân tộc.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét