I. Tác giả và tác phẩm
1. Tác giả
a. Cuộc đời và con người:
- Nam Cao (1915 – 1951) tên thật là Trần Hữu Tri, sinh tại Hà Nam, trong một gia đình trung nông nghèo. Quê ông là làng Đại Hoàng, quanh năm nghèo đói, bị cường hào áp bức bóc lột rất nặng nề. Học xong bậc thành chung, Nam Cao sống bằng nghề dạy học và viết văn.
- Năm 1943, Nam Cao gia nhập hội Văn hóa cứu quốc và tham gia Cách mạng tháng Tám. Sau đó, ông theo đoàn quân Nam Tiến vào vùng Nam Trung Bộ tiếp tục hoạt động kháng chiến.
- Trong kháng chiến chống Pháp, Nam Cao công tác văn nghệ, báo chí ở Việt Bắc, tham gia chiến dịch Biên giới (1950). Năm 1951, ông bị giặc bắt và hi sinh. Con người của Nam Cao, đặc biệt là trong xã hội trước Cách mạng tháng Tám, nổi bật một số đặc điểm:
- Tâm trạng bất hòa sâu sắc đối với xã hội đương thời. - Sự gắn bó ân tình sâu nặng, thiết tha với người nông dân nơi đồng ruộng làng quê. - Tinh thần tự đấu tranh một cách trung thực để vượt qua chính mình, cố khắc phục tâm lí, lối sống tiểu tư sản.
b. Quan điểm nghệ thuật:
- Nam Cao là nhà văn rất tự giác về quan điểm có tính nguyên tắc của văn học hiện thực tiến bộ và văn học chính nói chung:
- Ông không chạy theo cái đẹp, cái thơ mộng, quay lưng lại với hiện thực rồi viết ra những lời giả dối, phù phiếm.
- Văn chương chân chính là văn chương thấm đượm lí tưởng nhân đạo, vừa mang nỗi đau nhân thế, vừa có thể tiếp sức mạnh
cho con người vươn tới cuộc sống nhân ái, công bằng.
- Cuộc sống phải đặt trên văn chương, văn chương phải vì con người. Nhà văn chân chính trước hết phải là con người chân chính, tức là phải có nhân cách, có lòng nhân đạo.
- Bản chất của văn chương là sáng tạo, không chấp nhận sự rập khuôn và sự dễ dãi.
c. Sự nghiệp văn chương:
- Nam Cao để lại nhiều tác phẩm văn xuôi có giá trị: hơn 60 truyện ngắn, 1 truyện vừa, 1 tiểu thuyết và một số vở kịch Trước Cách mạng, Nam Cao là cây bút tiêu biểu của xu hướng văn học hiện thực phê phán trong giai đoạn 1940 – 1945; đồng thời là một trong những tài năng xuất sắc của nền văn xuôi đương thời. Sáng tác của Nam Cao tập trung vào đề tài cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo (Trăng sáng, Nước mắt, Đời thừa… và tiểu thuyết Sống mòn). Nam Cao miêu tả tình cảnh khốn cùng của người tri thức nghèo, đồng thời làm toát lên không khí ngột ngạt, bế tắc của xã hội. Các tác phẩm phản ánh tấn bi kịch tinh thần, bi kịch của con người có ý thức sâu sắc về giá trị cuộc sống, khao khát cuộc sống có ý nghĩa, có hoài bão, nhân cách, nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội làm cho chết mòn, phải sống cuộc đời thừa. Nam Cao còn khoảng 20 truyện ngắn về cuộc sống tối tăm, thê thảm của người nông dân (Chí Phèo, Lão Hạc, Một bữa no).
- Nam Cao quan tâm đến những thân phận cố cùng, những số phận hẩm hiu bị áp bức chà đạp… và bênh vực quyền sống, nhân phẩm của những người bất hạnh đó. Dù viết đề tài nào thì điều khiến cho Nam Cao day dứt, đau đớn nhất là tình trạng con người bị xói mòn về nhâm phẩm, thậm chí bị hủy diệt cả nhân tính trong xã hội đương thời.
- Sau Cách mạng, Nam Cao là vào công tác cách mạng và kháng chiến. Truyện ngắn Đôi mắt là thành công của ông khi viết về trí thức nghèo trong xã hội. Trong thời gian công tác ở Bắc Cạn, ông viết Nhật kí ở rừng và tập kí sự Chuyện biên giới.
d. Về phong cách nghệ thuật
- Nam Cao đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn có hứng thú khám phá con người trong con người.
- Nam Cao có khuynh hướng tìm về nội tâm, đi sâu và thế giới nội tâm của con người. Ông có biệt tài về diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật.
- Xuất phát từ việc hiểu tâm lí nhân vật, Nam Cao đã tạo được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm rất chân thật, sinh động.
- Nam Cao là nhà văn có giọng điệu riêng: buồn thương, chua chát, dửng dung, lạnh lùng mà đầy thương cảm, đằm thắm yêu thương.
2. Tác phẩm:
- Truyện ngắn Chí phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ. Năm 1941, khi nhà xuất bản in thành sách lần đầu, họ đã tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày, tác giả lại đặt tên là Chí Phèo. Tác phẩm Chí Phèo có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao. Nó giúp khẳng định tài năng của một nhà văn mang phong cách hiện thực phê phán. Chí Phèo là một kiệt tác trong văn xuôi hiện đại Việt Nam, là một truyện ngắn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, chứng tỏ trình độ nghệ thuật bậc thầy của một nhà văn lớn.
Cách vào truyện độc đáo của Nam Cao và ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
- Nam Cao mở đầu truyện bằng một tình huống độc đáo, ấn tượng: Chí Phèo vừa đi vừa chửi, nhưng điều lạ lùng là không có người chửi lại hắn và cũng không có người nghe hắn chửi. Hắn chửi bâng quơ, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cả những ai không chửi lại hắn và rồi lại chửi cha đứa nào đã sinh ra mình. Có người nói rằng, hắn chửi vì hắn say rượu không làm chủ được bản thân, nhưng thực sự trong con người Chí Phèo cái say và cái tỉnh đang xen nhau song song cùng tồn tại.
- Tiếng chửi của Chí Phèo chính là phản ứng của hắn trước toàn bộ cuộc đời bất hạnh. Nó bộc lộ tâm trạng bất mãn tột độ của một con người ý thức được rằng mình đã bị xã hội ruồng bỏ. Những tiếng chửi vô nghĩa, không được xã hội đón nhận, lắng nghe. Một khi đã bị tước mất quyền làm người thì mọi tiếng chửi rủa, than khóc, tỉnh táo hay say xỉn đều vô tác dụng. Chí Phèo thích kêu làng kêu xóm, đối với một người bình thường thì những tiếng kêu ấy ngay tập tức gây được sự chú ý của mọi người, nhưng đối với Chí lại khác, dù hắn kêu làng như một người bị đâm thì giỏi lắm chỉ làm cho Thị Nở kinh ngạc còn cả làng vẫn không ai động dạng… mà đáp lại lời hắn chỉ có lũ chó xôn xao trong xóm.
- Những chi tiết này cho thấy một kiếp sống cô độc của người nông dân bị tha hóa, bị xã hội ruồng bỏ, không còn tư cách làm người. Chí Phèo tồn tại như một “bóng ma” nhưng là một “bóng ma” lạc lõng và không gây kinh sợ cho ai cả.
Ý nghĩa cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo và diễn biến tâm trạng của Chí Phèo
- Cuộc gặp gỡ với Thị Nở là những giây phút Chí Phèo được trở lại “làm người”, được ước mơ, suy nghĩ và tỉnh táo thực sự. Khi bị ốm, trước sự săn sóc ân tình và tình yêu thương của Thị Nở, tâm trạng của Chí bắt đầu diễn biến khá phức tạp. Sự săn sóc của người đàn bà xấu xí, khốn khổ đã khơi dậy bản chất lương thiện vốn bị chèn lấp từ lâu trong con người Chí Phèo. Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của mình đối với hình tượng người nông dân bị tha hóa khi sáng tạo ra chi tiết gặp gỡ của Chí Phèo với Thị Nở.
- Khi được Thị Nở cho bát cháo hành, Chí rất ngạc nhiên, cảm động và thấy mắt mình ươn ướt vì xưa nay, “nào hắn thấy ai tự nhiên cho mình thứ gì… hắn nhìn vào bát cháo bốc khói mà bâng khuâng vừa vui vừa buồn”. Vui vì lần đầu tiên hắn được một người phụ nữ chăm sóc mà không đòi hỏi gì; buồn vì nhận ra thực chất thân phận tha hóa của mình.
- Với sự chăm sóc của người đàn bà xấu xí, Chí Phèo bỗng mơ ước xa xôi, những ước mơ từng có trong con người hắn trước đây. Đó là có một mái ấm gia đình nho nhỏ, chồng vợ cùng làm thuê kiếm sống và những đứa con xinh xắn và hắn cũng nhớ tới cảm thấy tởm lợm, nỗi nhục nhã khi bị lấy vợ Ba của Bá Kiến lợi dụng. Chí Phèo hi vọng Thị Nở sẽ là người mở đường, tạo điều kiện cho hắn trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.
Tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống
- Thị Nở là một người ngớ ngẩn, chính cái ngớ ngẩn ấy đã đập tan mọi hi vọng cứu vãn cuộc đời Chí Phèo. Sau khi bị Thị Nở từ chối chung sống và cũng không có cách nào níu giữ được Thị, Chí Phèo rơi vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng, mọi hy vọng cho một tương lai “làm người” bỗng chốc hóa thành mây khói. Trong cơn tuyệt vọng ấy, Chí Phèo như tỉnh hẳn và chua xót nhận ra bi kịch tinh thần của cuộc đời mình, người vốn sinh ra là người nhưng lại không được làm “người”. Hắn vật xã, đau đớn. Càng tuyệt vọng, hắn càng uống rượu, nhưng càng uống rượu, hắn càng tỉnh ra. Trong tận sâu thẳm tâm hồn, hắn ý thức được nỗi đau thân phận của mình. Vì thế, hắn ôm mặt khóc rưng rức và luôn thấy thoang thoảng mùi cháo hành. Chi tiết này được nhắc đi nhắc lại nhằm tô đậm niềm khao khát tình yêu thương, khát khao cuộc sống lương thiện và cũng nhấn mạnh bi kịch tinh thần không cách có thể cứu vãn.
- Trong tột cùng bế tắc, Chí Phèo càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi dung mạo và linh hồn người của mình, biến mình thành một con “quỷ” của làng Vũ Đại. Chí Phèo xách dao ra đi, thay vì đến nhà bà cô Thị Nở như dự định, tâm trí lại điều khiển hắn đến nhà Bá Kiến, người đã gây ra bao bất hạnh cho cuộc đời hắn. Khác với các lần trước, lần này, hắn đòi Bá Kiến trả cho hắn cái thứ quý giá mà hắn đã mất từ lâu, đó là làm người lương thiện.
- Nhưng làm sao để trở về làm người lương thiện như trước đây, cuối cùng, hắn đã chọn cách giải quyết duy nhất có thể, đó là giết kẻ đã gây ra đau khổ cho đời mình, đồng thời tự kết liễu cuộc sống của mình. Chí Phèo đâm chết Bá Kiến không phải vì say rượu mà vì hắn hiểu rõ nguồn gốc bi kịch của đời mình.
Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật đặc sắc và tư tưởng nhân đạo của Nam Cao.
- Chí Phèo là một tác phẩm độc đáo, xuất sắc, thể hiện sự thành công của Nam Cao về đề tài người nông dân bị tha hóa trước Cách mạng. Một trong những nghệ thuật đặc sắc được Nam Cao thể hiện trong tác phẩm là việc xây dựng nghệ thuật điển hình hóa nhân vật.
- Các nhân vật Bá Kiến, Chí Phèo vừa là những đại diện tiêu biểu cho các tầng lớp xã hội cơ bản của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, vừa là những người có cá tính độc đáo và có sức sống mạnh mẽ. Tâm lí nhân vật được miêu tả sắc sảo, tinh tế, đi sâu vào nội tâm để diễn tả những diễn biến phức tạp phát sinh trong cuộc đời.
- Xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo, một người nông dân bị tha hóa, bị xã hội ruồng bỏ, tác giả muốn thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, tấm lòng yêu thương, trân trọng những người khốn khổ. Chí Phèo còn là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh. Hãy bảo vệ, tạo điều kiện giúp đỡ những người lầm đường lạc lối, đưa họ trở về với cộng đồng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét