Labels

Được tạo bởi Blogger.

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Tình Yêu và Thù Hận

I> Tác gi

- Uy-li-am Sếch-xpia (1564 – 1616) là nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài của nước Anh và của nhân loại thời Phục hưng, thời kì được coi là bước ngoặt tiến bộ vĩ đại nhất từ trước đến bây giờ loài người chưa từng thấy, một thời đại cần đến những con người khổng lồ và đã sinh ra được những con người khổng lồ. Uy-li-am Sếch-xpia là người khổng lồ sinh ra trong thời đại đó.

- Uy-li-am Sếch-xpia trải qua tuổi thơ nhiều vất vả. Tuy nhiên, thời gian đó giúp cho ông có điều kiện làm quen với nghệ thuật để sau này trở thành dòng máu trong ông. Thời thanh niên của Uy-li-am Sếch-xpia cũng là giai đoạn phồn thịnh của nước Anh, là mảnh đất lí tưởng cho tư tưởng nhân văn phát triển. Đó là điều kiện để Uy-ki-am Sếch-xpia sáng tác nhiều tác phẩm bất hủ. Ông để lại 37 vở kịch gồm kịch lịch sử, bi kịch và hài kịch, phần lớn là kiệt tác của nhân loại. Tác phẩm của ông là tiếng nói của lương tri tiến bộ, của khát vọng tự do, của lòng nhân ái bao la và niềm tin bất diệt vào khả năng hướng thiện và khả năng vươn dậy khẳng định cuộc sống của con người.



II> Tác Phẩm

- Tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở bi kịch nổi tiếng đầu tiên của Uy-li-am Sếch-xpia, được viết vào cuối thế kỉ XVI, gồm năm hồi bằng thơ xen lần với văn xuôi, dựa trên câu chuyện có thật về mối  hận thù giữa hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét, tại Vê-rô-na (I-ta-li-a) thời trung cổ. Vở kịch dựa trên xung đột giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt với hoàn cảnh thù địch vây hãm. Mối tình của Rô-mê-ô và Giu-li-ét khẳng định sức sống, sức vượt qua mọi hoàn cảnh trói buộc con người. Mối tình đó cũng là lời tố cáo đanh thép, kết án xã hội phong kiến. Tác phẩm cũng đạt đến tầm cao nghệ thuật tổ chức kịch tính, qua việc dẫn dắt hành động kịch và cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật.


*Đoạn trích Tình yêu và thù hận thuộc lớp 2, hồi II của vợ kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét.* 

- Từ lời thoại 1 đến lời thoại 7 là độc thoại của hai nhân vật. Tác giả để hai nhân vật tự nhiên bộc lộ tình cảm của mình, qua đó thể hiện mối tình say đắm của hai người.

- Từ lời thoại 8 đến lời thoại 16 là lời đối thoại giữa hai người. Những lời đối thoại ấy vẫn là lời trực tiếp thể hiện tình cảm. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng đầy chất thơ. Rômêô đã dùng một loạt hình ảnh so sánh tuyệt vời nhất để miêu tả vẻ đẹp của nàng Giuliet. “Nguyên là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời có việc phải đi vắng đã tha thiết nhờ mắt nàng lấp lánh chờ đến lúc sao về”.

- Vượt lên mọi ràng buộc, mọi quy định của gia đình quý tộc, nàng Giuliet dám nói lên một cách thành thực tình yêu chân thành say đắm của mình, “Chàng Môngtaghiu tuấn tú ơi, em yêu chàng say đắm... ngờ em là kẻ trăng hoa”. Lời nói của Giuliet cũng là lời tuyên ngôn của những người trẻ tuổi.

- Lời thề hẹn của họ đã chứng tỏ những thế lực và xiềng xích của những hủ tục, thành kiến của mối quan hệ phong kiến đã dần mất tác dụng. Nó đang bị phá bỏ hoặc tự tan rã. Thời đại trung cổ đã qua đi, con người đã được giải phóng khỏi những quy tắc hà khắc vô lí. Bút pháp lãng mạn và chất liệu hiện thực đã tạo nên một mối tình đẹp và Rômêô và Giuliet.




Câu 1:

- Đây là giai đoạn độc thoại của hai nhân vật Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Từng nhân vật độc thoại để bộc lộ tâm trạng của mình. Mỗi nhân vật độc thoại ba bần xen kẽ nhau. Họ đều bộc lộ tình yêu tha thiết và say đắm của mình với người yêu nhưng nội dung các lời độc thoại của họ có nét khác nhau : Rô-mê-ô tập trung ca ngợi sắc đẹp lỗng lẫy của Giu-li-ét, còn Giu-li-ét lại quan tâm nhiều hơn đến chuyện dòng họ của Rô-mê-ô, dòng họ đã gây hận thù cho dòng họ của nàng. Có hai lời độc thoại dài nhất, bộc lộ rõ nhất tâm trạng của hai nhân vật : đó là lời độc thoại mở đầu của Rô-mê-ô và lời độc thoại khép lại giai đoạn này của Giu-li-ét.

-  Mười lời thoại tiếp theo là giai đoạn đối thoại của hai nhân vật. Mỗi nhân vật có năm lời thoại, mở đầu là Rô-mê-ô và kết thúc là Giu-li-ét. Nội dung các lời thoại đều tập trung vào việc giải quyết mối hận thù giữa hai dòng họ để mở đường chắp cánh cho tình yêu của họ bay cao hơn.




Câu 2:

Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét thể hiện qua đoạn trích

 - Trong lời thoại của Rô-mê-ô : Nàng tiên lộng lẫy, nàng tiên kiều diễm, nàng tiên yêu quý của tôi ơi, đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu, tôi thù ghét cái tên tôi, vì nó là kẻ thù của em…
 - Trong lời thoại của Giu-li-ét : Em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa. Chàng ơi ! Hãy mang tên họ nào khác đi, chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi…




Câu 3:

- Diễn biến tâm trạng của Rô-mê-ô qua lời thoại đầu tiên. Đây là lời thoại dài nhất và là lời thoại độc thoại nội tâm của nhân vật. Lời thoại được viết rất trau chuốt với nhiều hình ảnh đẹp, nhiều liên tưởng độc đáo, thú vị, những so sánh bất ngờ, táo bạo. Tất cả nhằm bộc lộ tâm trạng yêu đương nồng cháy, đam mê, ngỡ như không có gì cản được của Rô-mê-ô khi trèo tường đến bên dưới phòng ngủ của Giu-li-ét.

- Trong tâm trạng đó, Rô-mê-ô chỉ còn nhìn thấy một số điều đó là Giu-li-ét đẹp như một nàng tiên lộng lẫy át cả vẻ đẹp của trăng sao trên bầu trời, chỉ còn biết làm một việc duy nhất là tìm những lời đẹp đẽ nhất, những hình ảnh rực rỡ nhất để ca ngợi nhan sắc tuyệt mĩ của nàng. Đây là tâm trạng của chàng trai mà tình yêu đầy ắp trong tim, đã trào ra và tuôn chạy ào ạt như một khúc nhạc ái tình nồng nàn, ngây ngất, đắm say.




Câu 4:

- Diễn biến tâm trạng của Giu-li-ét Bởi tình yêu dành cho Rô-mê-ô nên Giu-li-ét chỉ nghĩ đến trở ngại lớn nhất là vấn đề hận thù dòng họ. Từ đó nàng có những suy nghĩ thật táo bạo hoặc Rô-mê-ô từ bỏ dòng họ của chàng, hoặc nàng sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa. Đối với Giu-li-ét, điều quan trọng của con người là tình yêu chứ không phải là dòng họ: Bông hồng kia, giá chúng ta gọi bằng một tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào. Lời độc thoại nội tâm của nàng cho thấy tình yêu bùng lên mãnh liệt, giúp thêm sức mạnh cho cả Rô-mê-ô và nàng vượt qua sự thù hận của dòng họ.

- Ý nghĩa trong lời độc thoại nội tâm mà Giu-li-ét trở đi trở lại nhiều lần với bao day dứt, giằng xé trong tim. Đến khi đối thoại trực tiếp với Rô-mê-ô, nàng lại bày tỏ cùng chàng tâm trạng của mình để cùng chia sẻ và tìm cách vượt qua.




Câu 5:

- Việc giải quyết vấn đề tình yêu và thù hận dòng họ: Thái độ của Rô-mê-ô rất kiên quyết. Ba trên năm lời đối thoại của Rô-mê-ô thể hiện thái độ dứt khoát của chàng trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề thù hận: Tôi sẽ thay đổi tên h, sẽ xé nát cái tên đó vì nó là kẻ thù của em, chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu, nếu em không ưa tên họ đó.

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô)

I>Tác giả

- Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960)
- Ông là nhà viết kịch nổi tiếng Việt Nam
-Sinh ra trong một gia đình nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh nay thuộc huyện Đông Anh Hà Nội
- Năm 1930 ông tham gia hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng
- Nguyễn Huy Tưởng tham gia tạp chí tiên phong của văn hóa cứu quốc
- Năm 1996 ông được tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật
- Sự nghiệp
- Các tác phẩm chính: tiểu thuyết gồm: đêm hội long trì, an tư công chúa, truyện anh lục, bốn năm sau…kịch: bắc sơn, Vũ như tô, Anh Sơ đầu quân, cột đồng mã viện..


II> Tác phẩm
Nội dung:
- Kể về một người nghệ sĩ muốn tận dụng hết công sức của mình để tạo nên một kiệt tác nghệ thuật cho đời. Đó là vũ Như Tô. Tuy nhiên ông lại không phân biệt được làm nghệ thuật phải gắn liền với đời sống con người. Ông được Lê Tương Dực một vị vua khét tiếng ăn chơi đề nghị Cửu Trùng Đài để đó làm nơi cho hắn ăn chơi thỏa thích. Ban đầu Vũ Như Tô không chịu nhưng về sau khi nghe lời Đan Thiềm Vũ Như Tô chấp nhận xây dựng. Tuy nhiên ông không biết rằng để xây được Cửu Trùng Đài thì mất biết bao nhiêu máu và mồ hôi thậm chí là tính mạng của người dân. Cho đến khi cuối cùng mọi chuyện gần kết thúc Vũ Như Tô vẫn không nhận ra điều đó, vẫn nghĩ rằng điều mình làm vì nghệ thuật là đúng nên rơi vào bi kịch là cái chết bi thương.




Câu 1:

 Mâu thuẫn thứ nhất
- Đó là mâu thuẫn giữa những tên bạo chúa quan lại tham ô ăn chơi xa đọa không để ý đến chiều chính và lo cho quyền lợi chính đáng của nhân dân với tầng lớp nhân dân cơ cực

- Việc đẩy đến mâu thuẫn là chúng lợi dụng sức lực của nhân dân để bắt xây dựng Cửu Trùng Đài. Đây là một nơi được xây dựng cầu kì được coi là một công trình nghệ thuật để cho bọn tham quan ô lại không cần góp gì mà vẫn được chơi bời thỏa thích ở đó. Chính vì điều này mà càng đẩy mâu thuẫn lên cao, người dân phải đổ biết bao nhiêu máu thậm chí cả tính mạng cho công trình mà họ chẳng được một chút lợi ích nào cả

- Mâu thuẫn đẩy lên cao và đòi hỏi cần phải giải quyết: Đó là hành động cầm đầu là Trịnh Duy Sản đã đem quân chống lại bọn tham quan bạo chúa và giết chết Lê Tương Dực, đốt Cửu Trùng Đài

=> Như vậy có thể nói mâu thuẫn ở đây là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Làm vua một nước mà không thể làm cho nhân dân no đủ lại còn bóc lột sức lao động của nhân dân thì ắt nhận lấy hậu quả là cái chết và không còn nước nữa. Dẫu là người trị vì thiên hạ nhưng không trị vì thiên hạ mà chỉ biết ăn chơi xa đọa không lo chuyện chiều chính thì không bao giờ bền lâu được


Mâu thuẫn thứ hai
- Đó là mâu thuẫn giữa người nghệ sĩ Vũ Như Tô và toàn thể nhân dân lao động xây dựng Cửu Trùng Đài. Nói cách khác là mâu thuẫn giữa nghệ thuật và đời sống. Ở đây nghệ thuật không gắn liền với đời sống vì thế nó sẽ sụp đổ

- Vũ Như Tô vì chỉ muốn thực hiện lý tưởng của mình mà quên đi lợi ích của nhân dân, không biết phân biệt đúng sai khi mà xây dựng lên để làm nơi ăn chơi cho bạo chúa. Điều đó là hoàn toàn sai, nghệ thuật cũng cần phải có mục đích gắn với đối tượng cụ thể và mục đích cụ thể có lợi cho xã hội

- Để giải quyết vấn đề: Vũ Như Tô đến cuối cùng vẫn cứng đầu khi nghĩ việc làm của mình là đúng vì thế cho nên nhận lấy kết quả là cái chết và Cửu Trùng Đài bị đốt. 

=> Dẫu được giải quyết mâu thuẫn nhưng vẫn không giải quyết được một cách dứt khoát vì nhân dân khi giết Vũ Như Tô cũng không biết rằng mình còn phải chịu nhiều thống khổ, mà Vũ Như Tô cả khi chết rồi vẫn không nghĩ là mình có tội



Câu 2:

Vũ Như Tô
- Tính cách:

+ Là một người nghệ sĩ tài ba luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật và ước mong sáng tạo nghệ thuật
+ Là một người nghệ sĩ có nhân cách lớn hoài bão lớn
+ Có suy nghĩ sai lầm trong hành động

- Diễn biến tâm trạng

+ Đến khi cái chết cận kề Vũ Như Tô vẫn không tin mình có tội, vẫn ảo tưởng ước vọng của mình
+ Đau đớn khi Cửu Trùng Đài bị phá hủy
=> Là người tài tuy nhiên chưa phải hiền tài vì chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sĩ mà không đứng trên lập trường của người nhân dân

Đan Thiềm
- Tính cách:

+ Là một người yêu thích cái tài, cho nên đã khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài
+ Tỉnh táo hơn Vũ Như Tô

- Diễn biến tâm trạng

+ Đau đớn khi nhận ra bi kịch Cửu Trùng Đài muốn cứu Vũ Như Tô nhưng không cứu được Vũ Như tô, nhìn Cửu Trùng Đài bị đốt cháy
=> Hiểu đời hiểu người h
ơn Vũ Như Tô nhưng vẫn lâm vào bi kịch tinh thần đau đớn.



Câu 3:

- Mâu thuẫn giữa quan điểm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích của nhân dân trong đoạn trích vẫn chưa được giải quyết dứt khoát. Điều này được thể hiện ở phần cuối của vở kịch. Quần chúng nổi dậy giết Vũ Như Tô, phá hủy Cửu Trùng Đài. Bản thân Vũ Như Tô bị giết nhưng vẫn chưa nhận ra sai lầm của mình. Vũ Như Tô không đứng về phe Lê Tương Dực nhưng vẫn muốn hoàn thành công trình nghệ thuật. Chính tác giả cũng băn khoăn vì kết cục này.

- Việc quần chúng giết Vũ Như Tô có lí đúng : nếu Vũ Như Tô không xây Cửu Trùng Đài thì nhân dân sẽ không rơi vào cảnh lầm than vì bản thân Lê Tương Dực không thể làm được. Tuy nhiên, hành động giết hại Vũ Như Tô và phá hủy Cửu Trùng Đài lại thể hiện tính thái quá. Giá trị nghệ thuật và công sức của nhân dân bỏ vào đó thật lớn lao, nếu có thể hoàn thành công trình trong một giai đoạn khác thì sẽ tốt hơn cho nghệ thuật và cho chính người dân.



Câu 4:

- Vở kịch Vũ Như Tô thể hiện hàm ý của tác giả rằng nghệ thuật phải gắn liền với đời sống và người nghệ sĩ phải nhận thấy được điều đó để không rơi vào bi kịch


- Đon trích còn th hin được tài dn dt và đy xung đt kch lên cao ca tác gi. Cách gii quyết mâu thun mt cách tài tình.

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Vi hành

I> Tác giả.
- Hồ Chí Minh: là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam cả cuộc đời của Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam, một vị lãnh tụ mến yêu đã để lại cho dân tộc Việt Nam những điều cao quý và Bác là một người luôn yêu thương và cũng biết lo cho dân cho nước.
- Hồ Chí Minh đã viết lên nhiều tác phẩm hay và có giá trị to lớn ví dụ như bài chiều tối, vi hành…

II> Tác phẩm.
- Trong đợt chuyển ngục Hồ Chí Minh đã viết lên tác phẩm vi hành và để lại nhiều giá trị to lớn trong lịch sử của dân tộc.
- Đây là một chuyến đi và nó đã để lại những giá trị và ý nghĩa rất lớn lao đối với một vị lãnh tụ lớn của dân tộc.

- Phần 1 : Từ đầu đến “Nghe nói ông bầu Nhà hát múa rối có định kí giao kèo thuê đấy...”. Nhân vật tôi, người viết bức thư gưi cô em họ kể chuyện  một đôi thanh niên Pháp nhầm mình là vua Khải Định. Họ tưởng tác giả không biết tiếng Pháp nên đã bình luận rất vô tư về người mà họ tưởng là Khải Định. Họ bình luận về trang phục, hình thức, tính cách và tỏ ra rất khinh thường người mà họ đang bình luận. Khải Định được coi như một trò giải trí hấp dẫn trong số rất nhiều trò giải trí li ki và rẻ tiền của người Pháp lúc đó.

- Phần 2 : Từ “Tàu đỗ, cặp trai gái bước xuống đến nếm thử cuộc đời của các cậu công từ bé?”. Đoạn này là lời  bình luận của nhân vật người kể chuyện về cuộc “vi hành” của Khải Định. Nhân vật tôi nhớ đến những ngày được nghe kể chuyện vi hành của các ông vua nổi tiếng vì dân vì nước trong lịch sử, rồi liên hệ, so sánh với chuyện vi hành của Khải Định. Từ đó thể hiện thái độ châm biếm mỉa mai hành động của Khải Định.

- Phần 3: Các đoạn còn lại. Nhân vật tôi kể chuyện và bình luận về thái độ của người Pháp đối với mình và những người Việt Nam khác, chính quyền thực dân sai mật thám bám gót họ khắp nơi.


Câu 1:
Tác giả đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, đó là tình huống nhầm lẫn. Có rất nhiều sự nhầm lẫn: cặp trai gái đi trên tàu nhầm lầm tác giả với Khải Định, người dân Pháp nhầm tất cả những người da vàng mũi tẹt đều là Khải Định, chính quyền Pháp nhầm tác giả là Khải Định. Tạo nên những nhầm lẫn, tác giả đã xây dựng được  một bức chân dung rất chân thực, khách quan nhưng hài bước, châm biếm. Chính quyền thực dân Pháp cũng hiện lên với những hành động xảo trá và bỉ ổi.

Câu 2:
- Đoạn văn “Cái vui nhất là…” đến “một vị hoàng đế” đã thể hiện thái độ của tác giả đối với chế độ mật thám của thực dân Pháp và tên vua Khải Định. Có tác dụng cho thấy sự xót xa cho dân tộc Việt Nam khi phải là quê hương của Khải Định..


Câu 3:
- Khải Định là một người có khuôn mặt xấu, bạc nhược là một người yếu ớt, ông là những người yếu đuối 

- Những bộ trang phục của ông thể hiện một lối sống bạc nhược, ăn mặc lòe loẹt nhố nhăng, màu sắc sặc sỡ, trong nhiều hoàn cảnh thì ông giải quyết vấn đề một cách lúng túng.

- Những hành động của Khải Định nhằm phê phán những thói xấu xa, ông có những hành động trái ngang ăn mặc thì khác người, hắn hành động xấu xa.

- Ăn chơi xa đọa, vui chơi giải trí, hắn là một người xấu xa…

- Tác giả đang phê phán thói xấu xa của những tên bù nhìn tay sai của thực dân pháp.

- Những hành động của bọn thực dân pháp sẽ khiến cho cả một thế giới cả một dân tộc phê phán bọn thực dân pháp xấu xa, chúng đã cướp nước ta và có những hành động khiến cho cả một dân tộc ta phê phán.

- Chúng ta cần tố cáo tội ác của kẻ thù mà Khải Định là người đại diện cho những kẻ xấu xa của thực dân pháp, ở đây chúng ta có thể thấy được cả một bộ mặt độc ác những tên bù nhìn chỉ biết hại dân chúng.

- Khải Đinh là tên xấu xa chỉ biết ăn chơi xa đọa một tên bù nhìn, hại dân.


Cha con nghĩa nặng

- Hồ Biểu Chánh sinh năm 1885 mất năm 1958, tên khai sinh là Hồ Văn Trung, quê ở xã Bình Thành huyện Kiến Hoà, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Kiên Giang). Trong gần 50 năm cầm bút cần mẫn sáng tác, Hồ Biểu Chánh đã để lại một số lượng sáng tác khá lớn. Ông thành công nhất ở thể loại tiểu thuyết. Một số tác phẩm tuy còn hạn chế về mặt tư tưởng nhưng nhìn chung ông đã đóng góp công sức tích cực vào việc hình thành thể loại tiểu  thuyết của dân tộc ta trong chặng đường phôi thai đầu tiên.

- Cha con nghĩa nặng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Tác phẩm viết về cảnh ngộ bất hạnh của gia đình một người nông dân tên là Trần văn Sửu. Do vô tình phạm tội giết vợ Trần Văn Sửu đã phải bỏ trốn, để lại hai đứa con thơ là Quyên và Tí cho bố vợ là hương thị Tào nuôi. Thằng Tí và con Quyên đều được mọi người thương yêu. Sống vất vả cực nhọc nơi đất khách quê người, Trần Văn Sửu không nguôi nhớ về các con. Và anh trở về vào đúng lúc các con đang chuẩn bị xây dựng gia đình. Đoạn trích kể về cuộc trở về này.



Câu 1:

- Phần 1: Cuộc rượt đuổi của hai cha con, từ đầu đến  “không nói được một tiếng chi hết”. Sau nhiều năm sống lẩn trốn cực khổ, Trần Văn Sửu cải trang thành người Thổ trở về quê với mong muốn tha thiết là được gặp hai con. Nhưng sau khi nghe bố vợ phân tích lợi hại của việc gặp mặt hai con, Trần Văn Sửu phải nén nỗi nhớ mong để ra đi, mong không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con. Ông chào bố vợ và ra đI trong lòng vô cùng đau khổ. Thằng Tí lén nghe được cuộc chuyện trò giữa ông ngoại và cha, anh chạy theo cha. Trần Văn Sửu tưởng người làng đuổi bắt nên cố chạy thật nhanh, Tí thì cố đuổi theo cha. Vì thế cuộc rượt đuổi diễn ra rất gay gắt. Đến cầu Mê Tức mới gặp nhau khi Trần Văn Sửu đang định tự vẫn, chấm dứt những ngày khổ cực. Cha con gặp nhau vô cùng mừng rỡ.

- Phần 2: Cuộc gặp gỡ của hai cha con sau hơn mười năm xa cách, phần còn lại. Hai cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cha muốn bỏ đi xa để không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con, con trai không chịu để cha đi, anh sẵn sàng theo để chăm sóc cha dù phải chịu vất vả cực nhọc.



Câu 2:

*Tình cha đối với con của Trần Văn Sửu*
- Anh Sửu là một người cha có lòng yêu thương con hết mực. Trong những ngày bỏ trốn, anh luôn canh cánh trong lõng nỗi thương nhớ và lo lắng cho những đứa con của mình. Khi trở về, thấy được các con mình có cuộc sống hạnh phúc, ổn định, anh lại vì hạnh phúc của con, nhất quyết hi sinh cho cuộc sống riêng. Anh không muốn liên lụy đến các con nên có ý định nhảy xuống sông tự tử.
- Nhưng tấm lòng của anh đã được đền đáp. Con của anh, thằng Tí, đã nghe được cuộc trò chuyện của cha mình và thương cha nhiều hơn. Sau cuộc gặp gỡ và nói chuyện với con, nhận ra con không hề oán hận mình vì đã gây ra cái chết cho mẹ chúng và bỏ chúng bơ vơ côi cút và ngược lại chúng rất hiếu thảo, anh cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Ý nghĩa rời xa con để con được sống hạnh phúc lại trỗi dậy trong anh, anh muốn rời xa con vĩnh viễn. Trước đây trong những ngày biệt xứ, anh muốn sống để được gặp con nhưng giờ đây, anh lại muốn chết để con được bình yên. Anh đúng là một người cha có nghĩa.


*Tình con đối với cha của nhân vật Tí.*

- Sau khi nghe được cuộc trò chuyện giữa cha và ông ngoại, hiểu cha và thương cha nhiều hơn, Tí dứt khoát chạy theo cha mời cha về sống với mình cho bằng được. Khi cha nhất định đi, Tí quyết tâm theo cha dù chân trời góc biển, dù cha có bị truy đuổi, có là kẻ tù tội,  quyết đi theo đặng làm mà nuôi cha, chừng nào cha chết thì con sẽ về. Tí muốn cha mình có cuộc sống thanh thản và vui vẻ lúc tuổi già để bù đắp những tháng ngày cực khổ đã qua.

- Tí sẵn sàng hi sinh, chối bỏ cả hạnh phúc của bản thân để chăm sóc và được sống bên cha. Sự kiên quyết và tấm lòng hiếu thảo của con đã khiến cha vô cùng cảm động, cuối cùng phải nghe theo con, vì con mà tiếp tục sống. Tình cảm cha con của họ thật đáng quý biết bao.



Câu 3:

- Nhà văn đã đẩy hai nhân vật vào một tình huống rất khó xử. Và qua cuộc bàn tính, giằng co giữa hai cha con, nhà văn đã diễn tả được một cách xúc động mong muốn sum họp của hai cha con.

- Trần Văn Sửu mang tội giết vợ nên phải sống lẩn trốn, việc trở về của anh chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hai con. Vì Quyên và Tí được mọi người thương nên đều chuẩn bị lấy vợ, lấy chồng. Nừu Trần Văn Sửu xuất hiện và với tiếng giết vợ, hai con ông khó mà có được hạnh phúc trọn vẹn. Ông đã quyết tâm ra đi nhưng lại rất đau khổ và có ý định tự vẫn. Họ đã phải đứng trước những trở ngại rất lớn Cha không thể trở về vì nếu về hàng tổng sẽ bắt, hạnh phúc của các con sẽ bị ảnh hưởng. Con theo cha thì sẽ phải chịu khổ cực và không chăm sóc được ông ngoại. Hai cha con bàn tính ngược xuôi mãi. Cuối cùng cũng đưa ra được quyết định. Đẩy nhân vật vào tình huống khó xử ấy, nhà văn đã thể hiện rất cảm động tình cha con giữa hai người.

- Tí là một người con có hiếu. Anh biết xử sự một cách trọn nghĩa vẹn tình. Vì tấm lòng yêu thương với cha, anh đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng để theo chăm sóc cha, bù đắp lại cho người cha những ngày vất vả khổ cực. Anh là một thanh niên trẻ nhưng suy nghĩ chín chắn. Nhân vật này đã thể hiện quan niệm tốt đẹp về đạo lí làm người, làm con cùng những quan niệm về đạo đức truyền thống của nhà văn. Nhà văn đề cao những giá trị đạo đức truyền thống như chữ trung, chữ hiếu



Câu 4:

- Ngôn ngữ trong sáng tác của Hồ Biểu Chánh đậm chất Nam Bộ. Ta có thể còn gặp lại lối văn biền ngẫu ở tiểu thuyết của ông. Về cơ bản, ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã tiến gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày, một thứ ngôn ngữ “bình dân” đậm chất Nam Bộ đã thấm sâu vào ngôn ngữ kể chuyện và trở thành văn phong riêng. Phương ngữ Nam Bộ mà tác giả sử dụng một mặt tạo ra sắc thái cá thể cho lời kể, mặt khác có tác dụng làm nhạt đi màu sắc “bác học”, để câu chuyện gần gũi hơn với chính hiện thực sản sinh ra nó.



Câu 5:

- Sức hấp dẫn của truyện thể hiện ở cách kể mộc mạc, không có nhiều tình huống bất ngờ, xung đột cao trào nhưng lại rất cuốn hút qua những diễn biến nội tâm nhân vật. Hệ thống ngôn ngữ giản dị, gần gũi, quen thuộc với con người Nam Bộ. Tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét.


- Để thể hiện tình cha con sâu nặng, tác giả xây dựng tình huống truyện giàu kịch tính qua cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa hai cha con mâu thuẫn giữa tình cha thương con và hạnh phúc của con, giữa hạnh phúc của con với tình con thương cha.



- Đoạn văn còn thể hiện những mâu thuẫn, căng thẳng đến đỉnh điểm về tâm lí của nhân vật. Kịch tính của truyện càng khẳng định tính giá trị của tác phẩm khi những mâu thuẫn đó được giải quyết một cách thỏa đáng, không gượng ép và hợp đạo lí.

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Hạnh Phúc Một Tang Gia (trích Số Đỏ)


Tác giả:

- Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 mất năm 1939. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Hà Nội, quê Mỹ Hào, Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Vụ Trọng Phụng đã có những năm tháng sống chật vật. Tuy nhiên có việc rồi cũng mất việc, cho nên quãng đời còn lại ông chỉ sống cuộc sống bấp bênh bằng nghề viết báo viết văn chuyên nghiệp.
- Về sự nghiệp sáng tác của ông, có thể nói 37 tuổi đời và 10 năm tuổi nghề. Ngoài ra ông còn có bút danh Thiên Hư, đây là cây bút có sức sáng tạo dồi dào, nhờ đó mà Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, tiêu biểu là các phóng sự: Cạm bẫy người (1933), Kĩ nghệm lấy Tây (1934), Cơm thầy cơm cô (1936).
- Các tiểu thuyết: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê (1936), Lấy nhau vì tình (1937), Trúng số động đắc (1938). Những sáng tác của Vũ Trọng Phụng toát lên niềm


Tác phẩm:

- Tiểu thuyết Số đỏ được đăng trên Hà Nội báo từ số 04 ngày 07/10/1936, in thành sách lần đầu năm 1938.
-  Nội dung của tác phảm là phản ánh hiện thực thối nát của xã hội tư sản, thành thị đang chạy theo lối sống nhố nhăng, đồi bại đương thời.
- Ngoài ra Số đỏ còn thể hiện trình độ tiểu thuyết già dặn, bút pháp châm biến biến hóa linh hoạt và đầy bất ngờ. Đồng thời cũng xây dựng lên hình tượng nhân vật độc đáo

Tóm tắt tiểu thuyết “Số đỏ”: Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân, thường gọi là Xuân tóc đỏ. Hắn là một đứa bé mồ côi, sống lay lắt ở Hà Nội bằng nghề trèo me, trèo sấu, thổi kèn quảng cáo thuốc lậu, nhặt bóng ở sân quần vợt,…Truyện dài 20 chương và được bắt đầu khi bà Phớ Đoan đến chơi ở sân quần vợt, nơi Xuân tóc đỏ làm việc. Vô tình Xuân tóc vì xem trộm 1 cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan, một mê Tây dâm đảng đã bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân tóc đỏ đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, cuộc đời Xuân tóc đỏ đã bước sang 1 trang mới, từ đó Xuân bắt đầu vào việc cải cách xã hội. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu nên hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là sinh viên trường thuốc, đốc tờ Xuân. Hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen biết với những người giàu có và thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện được cô Hoàng Hôn ngoại tình. Xuân còn được bà Phó Đoan nhờ dạy dỗ cậu Phước. Được nhà sư tăng Phú mời làm cố vấn cho báo Gõ Mõ. Và cũng vì vô tình, hắn gây ra cái chết cho cụ tổ nên được mọi người mang ơn. Văn Mình vì nghĩ ơn của Xuân nên đã dẫn Xuân đi xóa bỏ lí lịch trước kia rồi rồi đăng kí cho hắn đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn làm 2 vận động viên quán quân bị bắt ngay trước hôm thi đầu nên Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Để giữ tình giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng hiểu hành động hi sinh vì Tổ quốc của mình, được mời vào Hội Khai trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đầu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

“Hạnh phúc một tang gia”, đoạn trích này nằm trong chương XV của tiểu thuyết “Số đỏ”

Bố cục gồm 2 phần:

- Phần một: Từ đầu đến “Tuyết vậy” – Tác giả miêu tả sự vui vẻ và hạnh phúc của các thành viên gia đình của mọi người khi cụ cố tổ qua đời.

- Phần hai: Phần còn lại – Tác giả miêu tả “Cảnh đám tang gương mẫu”




Câu 1.

- Cách đặt tên nhan đề rất lạ, gây cảm giác tò mò, chú ý cho người đọc và cũng thể hiện một nghịch lí nực cười rằng trong tang gia mà lại có hạnh phúc.

- Mâu thuẫn trào phúng cơ bản nằm ngay trong nhan đề. Mỗi thành viên trong gia đình đều cảm thấy sung sướng, thỏa mãn và thấy đây là một dịp hiếm có để mọi người thực hiện một ý đồ riêng. Bọn con cháu đều muốn cho cụ tổ chết để được sớm chia gia tài và làm những việc mình thích. Thật đúng là hạnh phúc của một gia đình vô phúc, niềm vui của những đứa con cháu bất hiếu nhưng lúc nào cũng tỏ ra đạo đức, văn minh.

- Trong đoạn trích này, tác giả cũng dựng nên bối cảnh của một tang gia bối rối, chẳng những bối rối mà còn rất lo lắng và bận rộn. Nhưng nghịch lí lại tiếp tục được bộc lộ khi lo lắng, bận rộn không phải cho một đám ma mà là lo tổ chức cho chu đáo, linh đình một ngày vui, một đám hội. Như vậy, cách đặt tiêu đề vừa gây chú ý cho người đọc, vừa phản ánh đúng một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn.


Câu 2.

- Niềm vui chung nhất của mọi người là tờ di chúc của cụ tổ đã trở thành hiện thực, con cháu được chia gia tài. Mọi người vừa vui vì có những khoản tiền kếch xù, vừa có dịp để phô trương cái “hiếu nghĩa” giả tạo của mình.

 - Tất cả con cháu từ cụ cố Hồng cho đến vợ chồng Văn Minh, cô Tuyết, cậu Tân… và cả những người  bạn tham gia đưa tang đều cảm thấy rất hãnh diện và hạnh phúc. Đây là dịp để họ phô trương những bộ trang phục hợp mốt thời thượng, để thiên hạ trầm trồ thán phục và để ra oai lẫn nhau

Ø  Cụ cố Hồng mơ màng nghĩ đến cảnh mình mặc đồ xô gai chống gậy ho lụ khụ để thiên hạ bình phẩm ngợi khen.

Ø  Ông Văn Minh thì có dịp để khoe một mốt váy áo đại tang mới trong cái đám ma to nhất Hà Thành.

Ø  Cô Tuyết sẽ có dịp khoe thân thể nõn nà của mình, mặc một bộ áo thơ ngây để chứng tỏ mình còn trong trắng.


Câu 3.

- Cảnh đám ma gương mẫu qua ngòi bút châm biếm của tác giả - Bằng nghệ thuật châm biếm sắc sảo, qua những chi tiết chọn lọc, hình ảnh đám tang lộ rõ sự đua đòi của lối sống văn minh rởm đời. Đám ma được dựng lên hết sức to tát, long trọng có thể nói ở Hà Thành trước đây chưa từng có. Một đám ma được tiến hành theo cả lối Tả, lối Tàu, lối Tây.. có đầy đủ những lớp người thượng lưu ăn mặc đẹp đẽ, sang trọng.

 - Thực chất nút sau sự to tát, danh giá, long trọng ấy là những sự phô trương giả dối, sự  rởm đời lố lăng, thể hiện tâm lí háo danh, háo thắng… của một lớp người trong xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Điều này được thể hiện qua những chi tiết đưa tang thật hổ lốn đến buồn cười; khiến tác giả phải đưa ra một câu văn nhận xét thể hiện sự trào lộng, mỉa mai đến cực độ: thật là một đám ma to tát có thể làm cho người nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!

 - Ngoài các yếu tố gây mâu thuẫn để thể hiện chất trào phúng, tác giả còn sử dụng biện pháp phóng đại. Nhân vật được phóng đại với những hình dáng thật lố bịch, dị hợm. Chân dung của bọn người mang dạng thượng lưu, văn minh được khắc họa mỗi người một nét, tất cả đều thể hiện hình thật sống động, nhốn nháo: những ông bạn của cụ cố Hồng người đại diện cho những vị tai to mặt lớn của xã hội thượng lưu dự tang để được khoe huân chương, khoe râu… và thật lố bịch, vô liêm sỉ biết bao khi cứ nhìn chằm chằm vào làn da trắng thập thò sau làn áo voan mỏng trên cánh tay và ngực của cô Tuyết, hàng trăm nam thanh nữ tú ăn mặc mô đen, hợp thời đang vừa cố ý tỏ ra buồn rầu nhưng chỉ ít phút sau lại nghe thấy họ cười tình với nhau, hẹn hò, nói chuyện ghen tuông, bình luận về những câu chuyện nhảm nhí… Tất cả đều biểu lộ mọi góc cạnh của cái tình vô văn hóa, vô đạo đức của bọn người cặn bã trong xã hội tư sản thành thị lúc bấy giờ.


 Câu 4

 - Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nhiều thủ pháp cường điệu: nói ngược, nói mỉa mai… sử dụng đan xen linh hoạt trong đoạn trích và đều mang lại hiệu quả nhất định. Chẳng hạn, cái chết của cụ tổ khiến mọi người trong cái đại gia đình bất hiếu không ai giống ai. Đặc biệt, đám rước đưa ma được tổ chức nhố nhăng, lố bịch và nó trở thành cơ hội tốt để mọi người gặp gỡ, giao lưu, phô trương thanh thế và cười cợt, nói xấu, nói mỉa nhau...

 - Tác giả còn có con mắt tinh đời để nhìn thấy và miêu tả đúng cái nét riêng của từng nhân vật xuất hiện trong đoạn trích. Ngòi bút miêu tả của Vũ Trọng Phụng linh hoạt, biến hóa, giàu yếu tố hài hước gây cười và sắc sảo tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Vũ Trọng Phụng xứng đáng là một bậc thầy, một nhà văn hiện thực xuất sắc trong việc sử dụng nghệ thuật trào phúng.



Câu 5.


- Qua đoạn trích, tác giả đã tập trung phê phán thói đạo đức giả của một lớp người trong xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Đó là thói hám danh, hám lợi, thói hợm hĩnh... Cảnh đám tang là một màn bi hài kịch. Nó gợi nói sự chua xót, cay đắng cho sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, nhất là đạo đức gia đình. Từ đầu đến cuối tác phẩm là tiếng cười châm biếm, chế giễu, một kiểu chế giễu rất cay độc của nhà văn đối với những kẻ học đòi một cách vô học. 

Chí phèo

I. Tác giả và tác phẩm 

1. Tác giả 

a. Cuộc đời và con người:

- Nam Cao (1915 – 1951) tên thật là Trần Hữu Tri, sinh tại Hà Nam, trong một gia đình trung nông nghèo. Quê ông là làng Đại Hoàng, quanh năm nghèo đói, bị cường hào áp bức bóc lột rất nặng nề. Học xong bậc thành chung, Nam Cao sống bằng nghề dạy học và viết văn. 

- Năm 1943, Nam Cao gia nhập hội Văn hóa cứu quốc và tham gia Cách mạng tháng Tám. Sau đó, ông theo đoàn quân Nam Tiến vào vùng Nam Trung Bộ tiếp tục hoạt động kháng chiến.

- Trong kháng chiến chống Pháp, Nam Cao công tác văn nghệ, báo chí ở Việt Bắc, tham gia chiến dịch Biên giới (1950). Năm 1951, ông bị giặc bắt và hi sinh. Con người của Nam Cao, đặc biệt là trong xã hội trước Cách mạng tháng Tám, nổi bật một số đặc điểm: 

- Tâm trạng bất hòa sâu sắc đối với xã hội đương thời. - Sự gắn bó ân tình sâu nặng, thiết tha với người nông dân nơi đồng ruộng làng quê. - Tinh thần tự đấu tranh một cách trung thực để vượt qua chính mình, cố khắc phục tâm lí, lối sống tiểu tư sản.



b. Quan điểm nghệ thuật:

- Nam Cao là nhà văn rất tự giác về quan điểm có tính nguyên tắc của văn học hiện thực tiến bộ và văn học chính nói chung: 

- Ông không chạy theo cái đẹp, cái thơ mộng, quay lưng lại với hiện thực rồi viết ra những lời giả dối, phù phiếm.

- Văn chương chân chính là văn chương thấm đượm lí tưởng nhân đạo, vừa mang nỗi đau nhân thế, vừa có thể tiếp sức mạnh 
cho con người vươn tới cuộc sống nhân ái, công bằng.

 - Cuộc sống phải đặt trên văn chương, văn chương phải vì con người. Nhà văn chân chính trước hết phải là con người chân chính, tức là phải có nhân cách, có lòng nhân đạo. 

- Bản chất của văn chương là sáng tạo, không chấp nhận sự rập khuôn và sự dễ dãi. 



c. Sự nghiệp văn chương:

-  Nam Cao để lại nhiều tác phẩm văn xuôi có giá trị: hơn 60 truyện ngắn, 1 truyện vừa, 1 tiểu thuyết và một số vở kịch Trước Cách mạng, Nam Cao là cây bút tiêu biểu của xu hướng văn học hiện thực phê phán trong giai đoạn 1940 – 1945; đồng thời là một trong những tài năng xuất sắc của nền văn xuôi đương thời. Sáng tác của Nam Cao tập trung vào đề tài cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo (Trăng sáng, Nước mắt, Đời thừa… và tiểu thuyết Sống mòn). Nam Cao miêu tả tình cảnh khốn cùng của người tri thức nghèo, đồng thời làm toát lên không khí ngột ngạt, bế tắc của xã hội. Các tác phẩm phản ánh tấn bi kịch tinh thần, bi kịch của con người có ý thức sâu sắc về giá trị cuộc sống, khao khát cuộc sống có ý nghĩa, có hoài bão, nhân cách, nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội làm cho chết mòn, phải sống cuộc đời thừa. Nam Cao còn khoảng 20 truyện ngắn về cuộc sống tối tăm, thê thảm của người nông dân (Chí Phèo, Lão Hạc, Một bữa no).

- Nam Cao quan tâm đến những thân phận cố cùng, những số phận hẩm hiu bị áp bức chà đạp… và bênh vực quyền sống, nhân phẩm của những người bất hạnh đó. Dù viết đề tài nào thì điều khiến cho Nam Cao day dứt, đau đớn nhất là tình trạng con người bị xói mòn về nhâm phẩm, thậm chí bị hủy diệt cả nhân tính trong xã hội đương thời.

- Sau Cách mạng, Nam Cao là vào công tác cách mạng và kháng chiến. Truyện ngắn Đôi mắt là thành công của ông khi viết về trí thức nghèo trong xã hội. Trong thời gian công tác ở Bắc Cạn, ông viết Nhật kí ở rừng và tập kí sự Chuyện biên giới. 



d. Về phong cách nghệ thuật 

- Nam Cao đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn có hứng thú khám phá con người trong con người.

- Nam Cao có khuynh hướng tìm về nội tâm, đi sâu và thế giới nội tâm của con người. Ông có biệt tài về diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật.

- Xuất phát từ việc hiểu tâm lí nhân vật, Nam Cao đã tạo được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm rất chân thật, sinh động. 

- Nam Cao là nhà văn có giọng điệu riêng: buồn thương, chua chát, dửng dung, lạnh lùng mà đầy thương cảm, đằm thắm yêu thương. 



2. Tác phẩm:

- Truyện ngắn Chí phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ. Năm 1941, khi nhà xuất bản in thành sách lần đầu, họ đã tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày, tác giả lại đặt tên là Chí Phèo. Tác phẩm Chí Phèo có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao. Nó giúp khẳng định tài năng của một nhà văn mang phong cách hiện thực phê phán. Chí Phèo là một kiệt tác trong văn xuôi hiện đại Việt Nam, là một truyện ngắn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, chứng tỏ trình độ nghệ thuật bậc thầy của một nhà văn lớn.




II> TÌM HIỂU TÁC PHẨM:


Cách vào truyện độc đáo của Nam Cao và ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo

- Nam Cao mở đầu truyện bằng một tình huống độc đáo, ấn tượng: Chí Phèo vừa đi vừa chửi, nhưng điều lạ lùng là không có người chửi lại hắn và cũng không có người nghe hắn chửi. Hắn chửi bâng quơ, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cả những ai không chửi lại hắn và rồi lại chửi cha đứa nào đã sinh ra mình. Có người nói rằng, hắn chửi vì hắn say rượu không làm chủ được bản thân, nhưng thực sự trong con người Chí Phèo cái say và cái tỉnh đang xen nhau song song cùng tồn tại.

- Tiếng chửi của Chí Phèo chính là phản ứng của hắn trước toàn bộ cuộc đời bất hạnh. Nó bộc lộ tâm trạng bất mãn tột độ của một con người ý thức được rằng mình đã bị xã hội ruồng bỏ. Những tiếng chửi vô nghĩa, không được xã hội đón nhận, lắng nghe. Một khi đã bị tước mất quyền làm người thì mọi tiếng chửi rủa, than khóc, tỉnh táo hay say xỉn đều vô tác dụng. Chí Phèo thích kêu làng kêu xóm, đối với một người bình thường thì những tiếng kêu ấy ngay tập tức gây được sự chú ý của mọi người, nhưng đối với Chí lại khác, dù hắn kêu làng như một người bị đâm thì giỏi lắm chỉ làm cho Thị Nở kinh ngạc còn cả làng vẫn không ai động dạng… mà đáp lại lời hắn chỉ có lũ chó xôn xao trong xóm.


- Những chi tiết này cho thấy một kiếp sống cô độc của người nông dân bị tha hóa, bị xã hội ruồng bỏ, không còn tư cách làm người. Chí Phèo tồn tại như một “bóng ma” nhưng là một “bóng ma” lạc lõng và không gây kinh sợ cho ai cả.




Ý nghĩa cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo và diễn biến tâm trạng của Chí Phèo 

- Cuộc gặp gỡ với Thị Nở là những giây phút Chí Phèo được trở lại “làm người”, được ước mơ, suy nghĩ và tỉnh táo thực sự. Khi bị ốm, trước sự săn sóc ân tình và tình yêu thương của Thị Nở, tâm trạng của Chí bắt đầu diễn biến khá phức tạp. Sự săn sóc của người đàn bà xấu xí, khốn khổ đã khơi dậy bản chất lương thiện vốn bị chèn lấp từ lâu trong con người Chí Phèo. Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của mình đối với hình tượng người nông dân bị tha hóa khi sáng tạo ra chi tiết gặp gỡ của Chí Phèo với Thị Nở. 

- Khi được Thị Nở cho bát cháo hành, Chí rất ngạc nhiên, cảm động và thấy mắt mình ươn ướt vì xưa nay, “nào hắn thấy ai tự nhiên cho mình thứ gì… hắn nhìn vào bát cháo bốc khói mà bâng khuâng vừa vui vừa buồn”. Vui vì lần đầu tiên hắn được một người phụ nữ chăm sóc mà không đòi hỏi gì; buồn vì nhận ra thực chất thân phận tha hóa của mình. 

- Với sự chăm sóc của người đàn bà xấu xí, Chí Phèo bỗng mơ ước xa xôi, những ước mơ từng có trong con người hắn trước đây. Đó là có một mái ấm gia đình nho nhỏ, chồng vợ cùng làm thuê kiếm sống và những đứa con xinh xắn và hắn cũng nhớ tới cảm thấy tởm lợm, nỗi nhục nhã khi bị lấy vợ Ba của Bá Kiến lợi dụng. Chí Phèo hi vọng Thị Nở sẽ là người mở đường, tạo điều kiện cho hắn trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.




Tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống 

- Thị Nở là một người ngớ ngẩn, chính cái ngớ ngẩn ấy đã đập tan mọi hi vọng cứu vãn cuộc đời Chí Phèo. Sau khi bị Thị Nở từ chối chung sống và cũng không có cách nào níu giữ được Thị, Chí Phèo rơi vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng, mọi hy vọng cho một tương lai “làm người” bỗng chốc hóa thành mây khói. Trong cơn tuyệt vọng ấy, Chí Phèo như tỉnh hẳn và chua xót nhận ra bi kịch tinh thần của cuộc đời mình, người vốn sinh ra là người nhưng lại không được làm “người”. Hắn vật xã, đau đớn. Càng tuyệt vọng, hắn càng uống rượu, nhưng càng uống rượu, hắn càng tỉnh ra. Trong tận sâu thẳm tâm hồn, hắn ý thức được nỗi đau thân phận của mình. Vì thế, hắn ôm mặt khóc rưng rức và luôn thấy thoang thoảng mùi cháo hành. Chi tiết này được nhắc đi nhắc lại nhằm tô đậm niềm khao khát tình yêu thương, khát khao cuộc sống lương thiện và cũng nhấn mạnh bi kịch tinh thần không cách có thể cứu vãn. 

- Trong tột cùng bế tắc, Chí Phèo càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi dung mạo và linh hồn người của mình, biến mình thành một con “quỷ” của làng Vũ Đại. Chí Phèo xách dao ra đi, thay vì đến nhà bà cô Thị Nở như dự định, tâm trí lại điều khiển hắn đến nhà Bá Kiến, người đã gây ra bao bất hạnh cho cuộc đời hắn. Khác với các lần trước, lần này, hắn đòi Bá Kiến trả cho hắn cái thứ quý giá mà hắn đã mất từ lâu, đó là làm người lương thiện.

 - Nhưng làm sao để trở về làm người lương thiện như trước đây, cuối cùng, hắn đã chọn cách giải quyết duy nhất có thể, đó là giết kẻ đã gây ra đau khổ cho đời mình, đồng thời tự kết liễu cuộc sống của mình. Chí Phèo đâm chết Bá Kiến không phải vì say rượu mà vì hắn hiểu rõ nguồn gốc bi kịch của đời mình.


Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật đặc sắc và tư tưởng nhân đạo của Nam Cao.

- Chí Phèo là một tác phẩm độc đáo, xuất sắc, thể hiện sự thành công của Nam Cao về đề tài người nông dân bị tha hóa trước Cách mạng. Một trong những nghệ thuật đặc sắc được Nam Cao thể hiện trong tác phẩm là việc xây dựng nghệ thuật điển hình hóa nhân vật. 

- Các nhân vật Bá Kiến, Chí Phèo vừa là những đại diện tiêu biểu cho các tầng lớp xã hội cơ bản của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, vừa là những người có cá tính độc đáo và có sức sống mạnh mẽ. Tâm lí nhân vật được miêu tả sắc sảo, tinh tế, đi sâu vào nội tâm để diễn tả những diễn biến phức tạp phát sinh trong cuộc đời. 

- Xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo, một người nông dân bị tha hóa, bị xã hội ruồng bỏ, tác giả muốn thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, tấm lòng yêu thương, trân trọng những người khốn khổ. Chí Phèo còn là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh. Hãy bảo vệ, tạo điều kiện giúp đỡ những người lầm đường lạc lối, đưa họ trở về với cộng đồng.